Giá rẻ, tiện dụng, các dịch vụ xe ôm hiện đại như GrabBike, UberMoto đang được nhiều người lựa chọn, xe ôm truyền thống ngày càng thất thế.
Xe ôm hiện đại “xanh” cả phố
Trên thị trường ngày càng xuất nhiều ứng dụng cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe máy thay thế xe ôm truyền thống như AGZ Bike, Timxes.com, Gọi xe (Go-ixe)… nhưng nổi bật nhất vẫn là hai ứng dụng GrabBike và UberMoto. Gần đây, Vinasun cũng tuyên bố sẽ gia nhập "làng" xe ôm hiện đại khiến thị trường đã nóng ngày càng nóng hơn.
Thói quen chủ yếu di chuyển bằng xe máy của nhiều người dân là miếng bánh béo bở cho bất kỳ hãng xe ôm hiện đại nào. Với giá thành rẻ, tiện dụng, thường xuyên có những chương trình khuyến mại của xe ôm công nghệ là lý do thu hút nhiều khách hàng từ bỏ xe ôm truyền thống.
Chị Lan Hương (quận Ba Đình) cho biết tốc độ phát triển của các tài xế Grab, Uber khiến những khách hàng như chị cảm thấy rất bất ngờ. Theo chị Hương, từ bến xe, bệnh viện hay trên các trục đường giao thông đâu đâu cũng thấy bóng dáng đồng phục của xe ôm công nghệ.
Xe ôm công nghệ xuất hiện ngày càng nhiều tại các đường phố. Ảnh: Hiếu Công. |
Chị Bích Thủy (nhân viên văn phòng tại quận Cầu Giấy) cho biết chị thường xuyên xử dụng ứng dụng gọi xe ôm. Theo chị, giá cước của loại hình này chỉ 3.000-4.000 đồng/km, rất phù hợp với những người có mức thu nhập trung bình, di chuyển bằng loại hình này thậm chí còn rẻ hơn cả sử dụng xe máy của chính mình.
"Có những ngày khuyến mại, tôi đi từ cơ quan về nhà 2 lần trong ngày chỉ hết 20.000-30.000 đồng. Đây là một giá 'không tưởng' so với đi xe ôm truyền thống trước kia", chị Thủy nói.
Theo chị này, nếu đi xe ôm truyền thống, đoạn ngắn chừng 1 km chị thường phải trả 20.000-30.000 đồng. Chưa kể không lường được giá cả, tài xế mỗi người lấy một giá, và thường rất cao, khách không biết căn cứ vào mức nào để trả giá. Hơn nữa xe ôm truyền thống không phải lúc nào cũng sẵn, có khi phải đi một quãng xa mới gọi được, trong khi xe công nghệ thì chỉ cần mở app gọi và đợi đón, biết sẵn giá tiền sẽ trả.
Xe ôm truyền thống ‘chết ngang vai’
Việc xuất hiện của xe ôm hiện đại khiến xe ôm truyền thống ngày càng thất thế, thu hẹp địa bàn hoạt động. Xe ôm truyền thống lại vốn có nhiều điểm yếu khiến khách hàng vẫn có những ác cảm nhất định. Những ác cảm tồn tại lâu của xe ôm truyền thống như đeo bám khách, chạy lòng vòng tính thêm tiền, dịch vụ không tốt, chặt chém khách lạ…chưa kể nhiều người sử dụng xe quá cũ, tài xế thiếu thân thiện, tôn trọng khách hàng.
Xe ôm truyền thống “chết ngang vai” có thể thấy rõ ở việc giảm thị phần, địa bàn hoạt động và thu nhập giảm đáng kể.
Theo anh Nam, một tài xế xe ôm tại cầu vượt Mai Dịch (Cầu Giấy), số lượng khách đã giảm đáng kể trong một năm gần đây. Anh Nam chạy ở khu vực có nhiều trường đại học, khách hàng thường là sinh viên. Hiện nay, sinh viên hầu hết đã chuyển sang các ứng dụng gọi xe ôm công nghệ.
Xe ôm truyền thống ngày càng thất thế trước xe ôm công nghệ. Ảnh: Hiếu Công. |
"Trước kia mỗi ngày tôi có thể chạy 20-25 cuốc xe, nay chỉ còn trên dưới 10 cuốc. Vì giảm nhu cầu nên xe ôm truyền thống có 2 lựa chọn. Một là chuyển sang chạy thuê cho các hãng xe ôm hiện đại, hai là tìm địa bàn hoạt động khác mà khách có nhu cầu cao hơn như bến xe, bệnh viện, siêu thị lớn”, anh Nam cho biết.
Nhiều lái xe ôm trước kia có thể thu nhập đến 400.000-500.000 đồng/ngày (chưa trừ chi phí xăng xe) nay chỉ còn khoảng 200.000-250.000 đồng. Thu nhập giảm khiến nhiều người bỏ nghề. Một số người lớn tuổi thì sống chủ yếu nhờ vào số lượng khách quen là người cao tuổi gắn bó lâu năm.
Anh Bình, một tài xế ở bến xe Mỹ Đình cho biết xe ôm công nghệ đang thay đổi hoàn toàn thói quen đi lại của người tiêu dùng.
“Chúng tôi ngày càng thất thế. Thậm chí, ra đường gặp xe ôm truyền thống, người ta cũng không bắt mà nhất quyết đợi xe ôm hiện đại. Chúng tôi đang sống nhờ vào một bộ phận khách hàng chưa thay đổi”, anh Bình tâm sự.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)