Từ ngày đầu thành lập đến nay, quy mô của thị trường chứng khoán (TTCK) đã được mở rộng nhưng vẫn cần sự minh bạch và chuẩn mực để nâng tỷ lệ vốn hóa cổ phiếu cao hơn.
Các chuyên gia nhắc lại ngày đầu TTCK ra đời. Đầu những năm 90, thị trường vốn vẫn còn tương đối mới mẻ và lạ kỳ với nhiều người. Thời điểm đó chỉ có duy nhất một quỹ đầu tư là First Việt Nam Fund đến ủy ban hợp tác đầu tư. Tuy nhiên đây là loại hình đầu tư gián tiếp không thuộc quản lý của UBCK. Quỹ này dự kiến huy động khoảng 200 triệu USD đầu tư vào thị trường vốn. Nhưng để đầu tư vào thị trường vốn thị phải có TTCK. Vì thế, NHNN quyết định thành lập Ban thị trường vốn để chuẩn bị cơ sở cho việc thành lập TTCK ở Việt Nam.
TTCK có thể đạt tỷ lệ vốn hóa 100% GDP trong khoảng 15 năm tới. Ảnh: Anh Tuấn |
Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, khi mới thành lập quy mô thị trường đặt ra lúc đó là 15% nhưng khi họat động chỉ là 2 – 3%, còn 15% là gồm cả cổ phiếu và trái phiếu. Đến năm 2006 mức này là 40% mức vốn hóa. UBCKNN đã xây dựng chiến lược đến năm 2020 vốn hóa cổ phiếu là 70% GDP. Với đà này 15 năm nữa vốn hóa cổ phiếu có thể đạt 100% GDP.
Đã có câu hỏi đặt ra lúc đó là tại sao mở TTCK sớm trong khi thị trường tiền tệ chưa phát triển, thời điểm đó chỉ chủ yếu phát triển thị trường trái phiếu.
20 năm sau, thị trường trái phiếu đã có tốc độ phát triển 28% năm, vốn hóa thị trường cổ phiếu là 40%, huy động vốn 23% tổng mức đầu tư xã hội. Trên 1.000 công ty niêm yết trên thị trường vốn (niêm yết, UPCoM). Tương lai Việt Nam sẽ có thị trường chứng khoán phái sinh và thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, quy mô thị trường đạt tỷ lệ 100% GDP là có cơ sở.
“Bây giờ chúng ta bắt đầu có một hệ thống doanh nghiệp cổ phần hóa. Các doanh nghiệp lớn thoái vốn và việc bắt buộc niêm yết trên sàn hiện nay. Hàng hóa trên thị trường trong tương lai sẽ khá lớn. Tương lai vốn hóa trái phiếu chính phủ sẽ là 50 - 60%, thị trường cổ phiếu là 100% GDP", ông Bằng nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng quan ngại việc thị trường lớn mà chưa xây dựng được quy chuẩn vận hành hợp lý thì mức độ an toàn đầu tư sẽ không cao.
Phản đối quan điểm cho rằng TTCK như "một chỗ đánh bạc cao cấp", ông Nguyễn Duy Hưng Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nêu quan điểm: “Chúng tôi tạo ra một cái chợ có những chuẩn mực, có hàng cao cấp và hàng thấp cấp. Có những thứ thông tin đến với NĐT không đầy đủ, hoặc có đến đầy đủ nhưng NĐT cố tình không hiểu khi xảy ra quay lại đổ cho người tổ chức chợ.”
Trong một cuộc chơi, phải có luật chơi công khai và rõ ràng. Ở đây, một nhà đầu tư luôn có trách nhiệm với đồng tiền và muốn sinh lời. Những người làm quản lý, tổ chức thị trường cần đảm bảo hàng hóa vào đến thị trường phải đạt chuẩn.
Bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI nhận định thị trường cách đây gần 10 năm, sự minh bạch gần như không có. Các nhà đầu tư giao dịch theo kiểu "lướt sóng", chỉ quan tâm tới lợi nhuận. Như vậy, thị trường không bao giờ có thể phát triển bền vững được.
Về mặt bằng giá, Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước trong khu vực trong khi đó các công ty đang thiếu trách nhiệm, cơ quan quản lý thị trường thiếu thẩm quyền quyết định. Điều này khiến nhà đầu tư nước ngoài ngập ngừng, chưa chịu rót vốn.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Sở GDCK TP.HCM thì cơ quan quản lý rất đau đầu về vấn đề an toàn đầu tư."Chúng ta phải có chuẩn mực, luôn cải tiến, nâng cấp và công khai chuẩn mực... để thúc đẩy sự phát triển", ông Dũng nói.
"Luật chơi phải rõ ràng. Mỗi người đều có trách nhiệm: trách nhiệm nào thuộc về NĐT, trách nhiệm nào thuộc về bên quản lý. Cơ quan quản lý nếu mắc sai lầm thì sẽ chịu trách nhiệm”, ông nói.
Hầu hết các chuyên gia cho rằng để có chuẩn minh bạch, những công ty chứng khoán hàng đầu nên đặt ra một chuẩn minh bạch riêng trong phạm vi gần nhất với các TTCK láng giềng, vì NĐT đến với Việt Nam sẽ quan tâm nhất tới nhóm công ty hàng đầu.
"Thị trường nào cũng vậy, thành hay bại yếu tố quan trọng nhất là mình phải bảo vệ mình trước khi người khác bảo vệ vì khi được bảo vệ thì việc đã xảy ra rồi", một chuyên gia kết luận.
Theo Bình Nguyên (Zing.vn)