"Chúng tôi đang hoạt động cầm chừng, trong tình trạng chạy phải bù lỗ. Nếu như giá xăng, dầu vẫn giữ ở mức cao như hiện nay, thời gian tới sẽ không cầm cự được nữa sẽ phải cắt giảm chuyến, tuyến hoặc tạm dừng hoạt động", anh Trần Cường - chủ nhà xe An Phú (TP.HCM) chán nản.
Nhà xe này có 6 xe chạy tuyến TP.HCM - Quy Nhơn và chủ DN đang đứng ngồi không yên khi chi phí nhiên liệu chiếm phần lớn lợi nhuận. Để duy trì hoạt động trong thời gian bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng, nhà xe thực hiện cắt giảm tối đa chi phí, dừng hoặc giảm chuyến, tuyến không cần thiết. Đồng thời, mong muốn cơ quản quản lý nhà nước có chính sách ổn định giá xăng dầu dài hạn.
Chiều 21/2, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh tăng mạnh. Đây là lần thứ 4 tính từ đầu năm, và là lần thứ 5 liên tiếp mặt hàng xăng dầu tăng giá. Hiện tại, xăng E5 RON 92 có giá bán tối đa là 25.530 đồng/lít; RON 95 là 26.280 đồng/lít; dầu diesel 20.800 đồng/lít, dầu hỏa 19.500 đồng/lít; dầu mazut 17.930 đồng/kg.
Các đơn vị kinh doanh vận tải cho rằng, họ chưa kịp phục hồi sau thời gian dịch Covid-19 tàn phá thì giờ phải đối mặt với khó khăn khi giá nhiên liệu cao ngất ngưởng.
Chị Bùi Thị Huy Viễn - chủ nhà xe Tư Viễn chạy tuyến Sài Gòn - Hà Nội - Quảng Ninh tại bến xe Miền Đông cho biết, đội xe khách trước dịch có 4 chiếc nhưng nay chỉ còn 1 chiếc duy trì hoạt động. Đơn vị này lo lắng vì phải đối mặt với khó khăn trong cân nhắc bài toán thu chi sau khi giá xăng tăng.
Đại diện nhà xe thông tin, dù hoạt động vận tải đã trở lại nhưng lượng khách đi xe rất ít. Trong khi, giá xăng dầu, các chi phí liên tục tăng. Mỗi chuyến xe xuất bến, DN chỉ mong thu được 3-5 triệu đồng. Thậm chí, nhiều chuyến xe hòa vốn hoặc lỗ nhưng vẫn phải chạy để giữ khách.
Là đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển và các giải pháp logistics cho đối tác, khách hàng DN trên toàn quốc, ông Nguyễn Văn Tú - TGĐ Nhất Tín Logistics chia sẻ, “giá xăng tăng không dừng, lòng tôi như lửa đốt”. Giá nhiên liệu tăng gây áp lực lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại đơn vị bởi chi phí xăng dầu cho đội xe tải hơn 450 chiếc bị đội lên từ 5-7%, trong khi đó, giá cước công bố vẫn giữ nguyên như hợp đồng đã thống nhất với khách hàng.
Theo ông Tú, nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của việc giá xăng dầu leo thang, DN phải trao đổi với nhân viên về ý thức vận hành xe cũng như cách có thể tiết kiệm nhiên liệu tốt nhất. Dẫu vậy, nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang trong tương lai, DN có khả năng phải thực hiện điều chỉnh giá cước nhằm duy trì hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Trước thực trạng trên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hành khách liên tỉnh và Du lịch TP.HCM - ông Lê Trung Tính nhận định, hoạt động kinh doanh của ngành vận tải nói chung, vận tải hành khách nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Ông cho rằng, nhiều đơn vị vận tải đã lên phương án tăng giá cước trong thời gian tới. Tuy nhiên, các DN sẽ không tăng giá ngay lập tức mà tăng có lộ trình để “giữ chân” khách hàng và đưa ra mức giá mới có tính cạnh tranh trên thị trường.
Theo Trần Chung (VietNamNet)