Thành công vượt bậc
Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2020 đạt 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đây là một thành công vượt bậc, hiếm có trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới tăng trưởng âm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trước đó, với những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam, tại báo cáo “Điểm lại”, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 3% trong năm 2020, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.
Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với dự báo 2,3% của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố trước đó, hay mức 2,4% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoặc 2,8% của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)... Đây là kết quả ấn tưởng trong bối cảnh Việt Nam cũng như các nước khác phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua.
Triển vọng 2021 tươi sáng hơn khi phần lớn các dự báo cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng gấp đôi so với 2020.
Theo WB, kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Trước đó, ADB cũng dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của Việt Nam là 6,1%. IMF dự báo 6,4%.
Trong 2020, kinh tế Việt Nam ghi nhận khá nhiều điểm sáng như tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập kỷ lục mới; xuất siêu cao kỷ lục 19,1 tỷ USD. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao nhất kể từ năm 2011.
Trên thực tế, đại dịch khiến nền kinh tế Việt Nam chao đảo, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, "sau cơn mưa trời lại sáng". Sau khi chạm đáy, nền kinh tế sẽ theo chiều đi lên.
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC), nhờ kiểm soát tốt đại dịch mà nền kinh tế Việt Nam đạt được tăng trưởng dương, đặc biệt quý IV tăng trưởng mạnh. Uy tín của Việt Nam được nâng lên. Các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam.
Đột phá trong giai đoạn mới
Ông Tâm cho hay, những lợi thế và điều kiện tích cực đã giúp KBC có được kết quả ngoạn mục. Chỉ riêng trong quý IV, KBC và các công ty trực thuộc đã ký được hàng loạt hợp đồng cho thuê lại đất với tổng diện tích lên tới 150ha, tổng giá trị đạt được trên 150 triệu USD Mỹ. Đây là tín hiệu tốt cho doanh nghiệp và lĩnh vực bất động sản công nghiệp nói chung.
Đáng chú ý là phần lớn các dự án đầu tư đợt này trên diện tích đất công nghiệp của KBC là công nghệ cao, công nghệ điện tử, trong đó có dự án đầu tư của những tập đoàn lớn nổi tiếng trên thế giới.
Trước đó, theo đánh giá của SSI Research, quá trình đa dạng hóa sản xuất toàn cầu đang được đẩy mạnh và Việt Nam sẽ hưởng lợi từ xu hướng này. Nhóm chuyên gia nhận định, khi đại dịch lắng xuống sẽ có nhu cầu lớn về khu công nghiệp đối với các công ty chuẩn bị chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Thông tin mới đây, Apple đã chính thức chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPad và Macbook tới Việt Nam trong tháng trước. Foxconn đã thông báo khoản đầu tư mới 270 triệu USD vào Việt Nam nhằm xây dựng dây chuyền sản xuất iPad và Macbook tại Bắc Giang và sẽ đi vào hoạt động năm 2021.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCK Mirae Asset, cho rằng, Việt Nam đã ghi điểm với giới đầu tư trong đợt dịch vừa qua. Song, theo ông Huỳnh Minh Tuấn, điều nên làm ở giai đoạn này chính là chính sách dọn đường mời doanh nghiệp vào đầu tư. Việc rút gọn thủ tục hành chính, tạo hành lang pháp lý cho những ngành nghề mới... là rất quan trọng.
Ông Tuấn đề xuất, Việt Nam cũng cần thu hút nhân tài để trở thành một trung tâm tài chính, sản xuất hàng đầu khu vực. Bên cạnh đó, Nhà nước phải định hướng được yếu tố sáng tạo. Chỉ có sáng tạo mới làm gia tăng giá trị gia tăng trong các mặt hàng xuất đi, thay vì gia công.
Theo tờ FT của Anh, kinh tế phát triển mạnh mẽ và môi trường kinh doanh thuận lợi của Việt Nam được ví như Thái Lan trong thời kỳ bùng nổ đầu tư nước ngoài những năm 1980 hay như Trung Quốc khoảng 20 năm trước. Bất chấp những bất lợi về cơ sở hạ tầng cũng như lao động, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đang tìm cách xây dựng cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Giới đầu tư toàn cầu đang đặt niềm tin vào Việt Nam làm nền kỳ tích châu Á mới.
Ông Lê Quang Trí - Giám đốc khối kinh doanh của CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB), cũng đánh giá, điều “được nhất” là việc Việt Nam thu hút được được sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu sau đại dịch.
Trên thực tế, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu về quy mô thị trường lao động còn nhỏ, thiếu cơ sở hạ tầng, dịch vụ logistics cần được cải thiện,...
Dù vậy, những khó khăn này được dự báo sẽ sớm được giải quyết nếu Việt Nam tiếp tục duy trì môi trường đầu tư thông thoáng. Dòng vốn đầu tư FDI sẽ đổ vào Việt Nam, tập trung chính các lĩnh vực Việt Nam còn yếu. Gần đây, tập đoàn khai thác kho vận lớn nhất châu Á GLP đang tập trung phát triển các dự án logistics tại Hà Nội và TP.HCM, với kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ USD trong vòng 3 năm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, dòng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam vẫn đạt con số rất cao, gần 29 tỷ USD.
Niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam đang tăng lên. Điều này sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh, hướng tới tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, với chiến lược mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo, trọng tâm là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước hội nhập với thị trường khu vực và toàn cầu, đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số... nếu được quản lý tốt, Việt Nam sẽ vượt lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Theo M. Hà (VietNamNet)