Tiền vào nhóm chứng khoán, bất động sản, ngân hàng
Tuần qua, VN-Index đóng cửa ở mức 1.352 điểm, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm. Đây là tuần thứ 3 tăng điểm liên tiếp chỉ số tăng điểm. Theo số liệu của FiinGroup, dòng tiền tuần qua đổ mạnh vào nhóm bất động sản (chiếm 25,7% giá trị giao dịch), và đáng chú đã tăng trở lại ở nhóm ngân hàng.
Phiên cuối tuần 17/9, nhóm ngân hàng đồng loạt khởi sắc, kéo VN-Index vượt mốc 1.350 điểm. Một số cổ phiếu ngân hàng tăng điểm mạnh như như TPB, VPB, TCB, EIB.
Ngoài nhóm ngân hàng, xu hướng dòng tiền còn tăng ở nhóm chứng khoán. Các cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất như VCI, VND, SSI, SHS, HCM đều tăng điểm. Khối lượng giao dịch tăng cao ở nhóm này có sự tham gia của các ETFs trong ngày cơ cấu danh mục, tập trung vào SSI, VCI, VND và SHS.
Điểm trừ trong tuần vẫn là giao dịch của khối ngoại, nhóm này tiếp tục bán ròng 4,220 tỷ đồng trên HoSE, tập trung vào nhóm bất động sản, chứng khoán. Khối ngoại có tuần thứ 9 liên tiếp bán ròng cổ phiếu bất động sản, tập trung vào VIC, NVL, VHM, TCH. Đối ứng với khối ngoại, nhà đầu tư cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhóm bất động sản.
Kỳ vọng cổ phiếu vua trở lại
Bộ phận nghiên cứu của CTCK SSI nhận định, chỉ số có nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên với mục tiêu đầu tiên là vùng đỉnh trước nằm tại 1.425 điểm.
Nhóm phân tích của CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS) thì cho rằng, thị trường đang phát đi nhiều tín hiệu lạc quan hơn, khi chỉ số kết tuần trên 1.350 điểm, bất chấp những thông tin tiêu cực từ kinh tế Trung Quốc, chứng khoán thế giới, cũng như diễn biến dịch bệnh trong nước.
Với việc dòng tiền nội trở lại thị trường, chuyên gia của CTCK Ngân hàng BIDV nhận định, VN-Index có thể sẽ vận động trong vùng 1350-1380 điểm vào tuần sau
Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) tiên đoán, xu hướng thị trường tháng 9 tiếp tục được quyết định bởi nhóm ngân hàng (chiếm hơn 30% vốn hoá thị trường).
“Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20% - 30% so với đỉnh cũ, vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn. Tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn trong tháng 9 do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng room.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới", nhóm chuyên gia cho biết.
Việc NHNN ban hành Thông tư 14, kéo dài thời gian cơ cấu thời hạn trả nợ thêm 6 tháng... cho khách hàng bị ảnh hưởng COVID-19 cũng tạo điều kiện cho cả ngân hàng lẫn người đi vay. Theo số liệu từ CTCK Maybay King Eng (MBKE), các ngân hàng đã duy trì tỷ lệ trích lập dự phòng (hay phí suất tín dụng) khá ổn định trong giai đoạn 2020 – quý 1/2021 để gia tăng dự phòng bao nợ xấu.
"Trước yêu cầu khắt khe trong quy định các ngân hàng phải loại bỏ ngay lập tức tất cả các khoản thu nhập lãi liên quan đến các khoản nợ tái cơ cấu (khiến NIM bị ảnh hưởng ngay lập tức nếu áp dụng biện pháp tạm hoãn nợ trên quy mô lớn). Chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng niêm yết sẽ đạt tăng trưởng bình quân 32% năm 2021", chuyên gia MBKE nhận định.
Thông tư 14 cho phép ngân hàng có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không cần thay đổi nhóm nợ. Đồng thời, ngân hàng có thể dàn trải dự phòng cho các khoản vay nhóm 2-4 (nhóm dư nợ cần chú ý) trên 3 năm.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)