Trong cơn say tiền, đại gia xoay tiền nghìn tỷ đổ vào chứng khoán

17/09/2021 13:48:57

Đại gia tiếp tục bơm tiền vào các công ty chứng khoán trong bối cảnh thị trường chứng khoán sôi động, trở thành kênh thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư và một mặt bằng giá mới cũng như thanh khoản cao mới được thiết lập.

Chứng khoán Bản Việt (VCI) của bà Nguyễn Thanh Phương vừa thông qua kế hoạch huy động vốn qua kênh trái phiếu với lần chào bán thứ 6 trong năm nay với giá trị huy động 200 tỷ đồng, lãi suất cố định 8%/năm và kỳ hạn 2 năm.

VCI huy động vốn để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và thanh toán chi phí liên quan đến các đợt phát hành trái phiếu.

Từ đầu năm tới nay, VCI đã huy động 5 đợt chào bán trái phiếu, tổng tiền thu về 730 tỷ đồng.

Tính đến giữa 2021, dư nợ trái phiếu của VCI đạt hơn 1.600 tỷ đồng, chiếm 26% tổng dư nợ ngắn hạn và tăng đột biến gần 2,5 lần so với đầu kỳ.

Chứng khoán Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phương huy động vốn chủ yếu dùng để tăng tỷ lệ cho vay trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam ngày càng phổ biến, thanh khoản liên tục phá đỉnh. VCI cũng dùng vốn huy động để thực hiện đầu tư.

Trong cơn say tiền, đại gia xoay tiền nghìn tỷ đổ vào chứng khoán
Các công ty chứng khoán hoạt động tốt trong 2021.

Theo HoSE, ông Nguyễn Văn Tuấn, đại gia kín tiếng đến từ Gelex vừa đăng ký mua 29 triệu quyền mua cổ phiếu Công ty Chứng khoán VIX với số tiền có thể sẽ phải chi ra khoảng hơn 300 tỷ đồng. Ông Tuấn là em ruột của bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Chứng khoán VIX.

Chứng khoán VIX ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong 6 tháng đầu năm 2021. Doanh thu hoạt động của công ty tăng gấp 3,3 lần cùng kỳ, lên 867 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp hơn 9 lần, lên 426 tỷ đồng, hoàn thành 97% kế hoạch năm.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh trong nửa đầu 2021 và tiếp tục hưởng lợi trong hai quý cuối năm từ một thị trường sôi động chưa từng có.

HĐQT Chứng khoán VNDirect (VND) vừa thông qua nghị quyết về việc thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận sau thuế tăng hơn 80% so với kế hoạch ban đầu, lên 1.600 tỷ đồng và sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thay đổi này.

VNDirect ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong 7 tháng đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ năm trước và vượt 20% kế hoạch đặt ra cho cả năm 2021. Với mục tiêu mới đề ra, công ty đã hoàn thành 66% kế hoạch. Như vậy, 2021 có thể là năm đầu tiên VNDirect ghi nhận kết quả nghìn tỷ.

CTCP Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong 8 tháng đầu năm lên tới 1.872 tỷ đồng, vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm. Cổ phiếu SSI liên tục phá đỉnh và đang ở vùng đỉnh lịch sử sau khi tăng hơn gấp đôi trong vòng chưa tới 6 tháng qua.

Nhiều CTCK cũng đã vượt và gần đạt kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2021 như Chứng khoán SHS, Chứng khoán Thành Công, Chứng khoán BSC,...

Sở dĩ các CTCK ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng vọt là do thị trường chứng khoán sôi động với giá trị giao dịch ở mức kỷ lục, 25-30 nghìn tỷ đồng mỗi phiên. Số lượng nhà đầu tư mới tham gia thị trường lên mức rất cao.

Trong cơn say tiền, đại gia xoay tiền nghìn tỷ đổ vào chứng khoán - 1
Biến động chỉ số VN-Index.

Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 17/9

Trong phiên sáng nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh, VN-Index có lúc tăng hơn 6 điểm và vượt mốc 1.350 điểm. HNG bất ngờ có cú nhảy vọt trong phiên sáng nay và nhanh chóng chạm trần tại mức giá 7.560 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt, lên tới hơn 20 triệu đơn vị chỉ sau khoảng 1 giờ. 

Trong đó, APG, TGG, BII, SMT hay DDV đều bị kéo xuống mức giá sàn trong tình trạng trắng bên mua. GKM cũng giảm đến 8,8% xuống 27.900 đồng/cp, cổ phiếu này cũng có lúc giảm sàn. AGM giảm 6,7% xuống 36.300 đồng/cp. TGG trong phiên sáng nay cũng xuất hiện áp lực bán chốt lời mạnh và có thời điểm cũng nằm sàn với biên độ dao động khá lớn tới 14%.

Nhiều mã trong danh mục quan sát của chúng tôi ở các phiên trước vẫn duy trì tín hiệu tích cực như PVD, PVS, FCN, MSN... thì có thể tăng thêm tỷ trọng nếu như lần mua thăm dò đã có lợi nhuận.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu xây dựng và bất động sản không mấy khả quan khi các mã lớn như VHM, VIC, NVL, VRE, KDH, PDR rung lắc và điều chỉnh nhẹ.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 266 mã tăng và 136 mã giảm, VN-Index tăng 6,84 điểm (+0,51%), lên 1.352,71 điểm.  NX-Index tăng 3,84 điểm (1,09%) lên 357,08 điểm. UPCoM-Index tăng 0,62 điểm (0,64%) lên 96,8 điểm.

Theo BSC, thị trường giao dịch đi ngang trong phiên đáo hạn HĐTL tháng 9.  Dòng tiền đầu tư thu hẹp vào 1 số ngành khi chỉ có 11/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn tăng trưởng đến từ nhóm ngành truyền thông, điện, nước, xăng dầu và ngân hàng. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tích cực với thanh khoản không đổi so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng tại cả 2 sàn HoSE và sàn HNX. Thanh khoản ở mức thấp cùng với biên độ thị trường hẹp cho thấy các nhà đầu tư đang giao dich khá thận trọng. Với xu hướng như vậy, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy quanh ngưỡng 1350 điểm trong các phiên giao dịch tới.

Chốt phiên chiều 16/9, chỉ số VN-Index tăng 0,04 điểm lên 1.345,87 điểm. HNX-Index trong khi đó tăng thêm 2,5 điểm lên 353,24 điểm. Upcom-Index tăng 0,44 điểm lên 96,25 điểm. Thanh khoản đạt 24,1 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn, giảm nhẹ so với phiên liền trước.  Riêng sàn HOSE đạt hơn 18,2 nghìn tỷ đồng.

Theo V. Hà (VietNamNet)

 

Nổi bật