Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các ngân hàng có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước không quản lý việc này. Vấn đề của sự việc nằm ở cách tính lãi, Eximbank không phải ngân hàng đầu tiên xảy ra tình huống này, đã có trường hợp ngân hàng khác khởi kiện khách hàng.
“Trong hợp đồng phát hành thẻ tín dụng đã ghi rất rõ lãi suất, nhưng vấn đề là làm sao dư nợ gốc, lãi lên tới 8,8 tỷ đồng? Vậy thì cần hiểu rõ rằng, thẻ tín dụng tiêu trước, trả sau 45 ngày không tính lãi, nếu thanh toán toàn bộ thì không nói, nhưng nếu chỉ trả ở mức tối thiểu, lãi đã là 18-25%/năm, rất cao. Đến hạn không thanh toán, cả khoản vay sẽ bị lãi suất quá hạn, gấp 1,5 lần mức thông thường. Lãi mẹ đẻ lãi con trong suốt 11 năm”, vị lãnh đạo NHNN nói.
Cũng theo vị này, với trường hợp khách hàng P.H.A chia sẻ không nhận được thẻ tín dụng, không sử dụng thẻ mà vẫn phát sinh dư nợ, cần cơ quan công an vào cuộc điều tra, có hay không việc phát hành thẻ khống. Thanh tra NHNN chi nhánh Quảng Ninh đã yêu cầu Eximbank chi nhánh Quảng Ninh có văn bản báo cáo về sự việc.
Với vai trò của NHNN, vị đại diện cho biết, nếu sự việc tranh chấp dân sự này được đưa ra toà và toà án yêu cầu NHNN xác nhận cách tính lãi của ngân hàng đúng hay sai, thì cơ quan này sẽ trả lời. Còn lại, việc tham gia vào tranh chấp dân sự không đúng thẩm quyền NHNN.
Trước sự việc xảy ra tại Eximbank, lãnh đạo NHNN cũng lưu ý người dùng thẻ tín dụng đọc kỹ lãi suất, cách tính lãi ghi trong hợp đồng phát hành thẻ, mà chính chủ thẻ đã ký. “Không phải ai cũng đủ điều kiện phát hành thẻ tín dụng, được ngân hàng kiểm tra đảm bảo năng lực tiêu trước trả sau. Thẻ tín dụng không xấu, có nhiều lợi ích, miễn lãi tới 45 ngày, nhưng khách hàng cần tìm hiểu kỹ khi sử dụng, tránh phát sinh nợ xấu”, vị này nhấn mạnh.
Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, sự việc gây xôn xao dư luận tại Quảng Ninh thời gian qua khi các trang mạng xã hội lan truyền bản thông báo của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank AMC) tới khách hàng có tên P.H.A (Địa chỉ tại phường Cẩm Tây, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) với số tiền nợ gần 9 tỷ đồng.
Theo nội dung được cung cấp bởi Eximbank, khách hàng P.H.A. đã mở thẻ MasterCard tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vào ngày 23/3/2013 với hạn mức là 10 triệu đồng và đã có 2 giao dịch thanh toán vào ngày 23/4/2013 và 26/7/2013 tại một điểm chấp nhận giao dịch. Từ ngày 14/9/2013, khoản nợ trên thẻ đã chuyển thành nợ xấu, và thời gian quá hạn phát sinh đến thời điểm thông báo đã gần 11 năm.
Eximbank nhấn mạnh rằng, mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp thông báo và làm việc trực tiếp với khách hàng, ông P.H.A vẫn chưa đưa ra phương án xử lý nợ. Về công văn nhắc nợ đang lan truyền trên mạng xã hội, Eximbank khẳng định rằng, việc phát thông báo nghĩa vụ nợ cho khách hàng là một hoạt động nghiệp vụ thông thường trong quá trình xử lý và thu hồi nợ. Đến thời điểm hiện tại, Eximbank chưa nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào từ khách hàng.
Trao đổi với báo chí, anh P.H.A (người có tên trong “công văn nhắc nợ quá hạn" được gửi từ Eximbank) xác nhận: Năm 2013, có nhờ nhân viên của ngân hàng Eximbank chi nhánh Quảng Ninh mở thẻ tín dụng, với hạn mức là 10 triệu đồng. Sau khi ký xong hợp đồng, nhân viên nói rằng mức lương của tôi thấp (hơn 3 triệu đồng/tháng) không đủ để mở thẻ tín dụng, nhưng bạn ấy nói sẽ xin sếp sau. Bẵng đi một thời gian, tôi vẫn nghĩ là mình không làm được thẻ, nhưng sau mới biết là thẻ đó vẫn làm được, và bạn ấy đã rút tiền trong thẻ để tiêu xài. Sau đó tôi được biết bạn này đã nghỉ việc và đi nơi khác.
Theo Việt Linh (Tiền Phong)