Theo báo Giao thông dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Italia, Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) đã cho biết diễn biến trên.
Theo Vinacas khi nhận được những tín hiệu đáng ngờ trong việc thanh toán với ngân hàng đối tác, đã có 74 container phía Việt Nam đang trên đường đến Italy và sẽ cập bến trong tháng 3.
Đặc biệt, có 35 container đã mất kiểm soát do thất lạc bộ chứng từ gốc. Mà theo luật quốc tế, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể được nhận hàng.
“Thương vụ Việt Nam đã ngay lập tức làm việc với luật sư và các đơn vị liên quan như cảnh sát, cán bộ cảng, các đơn vị vận chuyển tại thành phố Napoli, Italia, nơi phần lớn container trong số những container bị lừa đảo kể trên sẽ cập bến.
Các doanh nghiệp trong nước cũng đã đệ đơn kiện vụ việc này lên tòa án tại Italia. Nhờ vậy, các container hàng đã được hỗ trợ giữ lại tại cảng và không giao cho người người nhận dù có bộ chứng từ gốc”, Vinacas thông tin.
Đến nay, phía Việt Nam đã lấy lại quyền kiểm soát 12 lô hàng thông qua việc chứng minh người nhận không có liên quan gì tới những lô hàng này, thậm chí còn chưa từng mua hàng với Việt Nam; Còn 20 container khác được xuất khẩu tới các đối tác mới tại Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan hoặc chính tại Italia.
3 container còn lại đã được thông báo với phía vận chuyển và đang quay trở lại Việt Nam từ các cảng trung chuyển.
Qua vụ việc lần này, Vinacas khuyến cáo doanh nghiệp cần chọn phương thức thanh toán phù hợp cho đối tác mới. Các đối tác cần đặt cọc trước khi bên ta chuyển hàng, có thể là 10% đối với các đơn hàng trị giá rất lớn, và 30% với những đơn hàng trị giá nhỏ. Khoản tiền cọc sẽ là một phần bảo đảm cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng.
Liên quan tới vụ việc, trên TTXVN, Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli Silvio Vecchione cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam khi làm ăn với các doanh nghiệp Italy cần thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, cơ quan thương vụ, lãnh sự danh dự Việt Nam để tìm hiểu rõ thông tin về đối tác, đảm bảo an toàn tối đa cho các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italy.
Còn Phó Chủ tịch phòng thương mại Italy-Việt Nam tại Torino Phạm Văn Hồng cho rằng đây là vụ lừa đảo rất tinh vi.
Về hình thức lừa đảo, bên mua thông qua sơ hở của phương thức thanh toán nhờ thu trả ngay (D/P), do bên bán hoàn toàn thiếu thông tin về đối tác khi đàm phán hợp đồng. Đây có thể là nguyên nhân chính để các đối tác nước ngoài có điều kiện lừa đảo.
Theo ông, các doanh nghiệp cần thận trọng hơn với những đối tác mới giao dịch lần đầu, kiểm tra, xác thực kỹ đối tác qua nhiều kênh khác nhau. Việc lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu các quy định và tập quán giao nhận hàng hóa tại nước nhập khẩu để đảm bảo nắm được quyền kiểm soát hàng hóa.
Về vận đơn, nên sử dụng vận đơn lập theo lệnh, không nên sử dụng vận đơn đích danh hoặc vận đơn để trống.
Bởi trong trường hợp bộ chứng từ bị đánh tráo hoặc thất lạc trên đường gửi đi, nếu là vận đơn đích danh hoặc vận đơn để trống thì ai lấy được vận đơn cũng có thể đi nhận được hàng mà không ràng buộc trách nhiệm thanh toán hay chấp nhận thanh toán.
PN (Nguoiduatin.vn)