Thông tin này được Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cho biết trong thông tin phát đi ngày 17/3.
Tháng 2, thông qua Công ty Kim Hạnh Việt, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 100 container điều sang Italy. Trong quá trình gửi hồ sơ và liên lạc với đối tác nhập khẩu, các doanh nghiệp này phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nên đã tìm cách ngăn chặn các lô hàng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 36 container bị mất kiểm soát các bộ chứng từ gốc và chưa tìm lại được. Ước tính thiệt hại số hàng hoá này khoảng 162 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về vụ việc cho thấy, đến ngày 15/3, 8 trong 36 container hàng đang bị mất chứng từ đã cập cảng Genova của Italy, các container hàng còn lại sẽ đến cảng này cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Theo pháp lý quốc tế, các hãng tàu bắt buộc phải giao hàng cho người nhận khi họ cung cấp đầy đủ chứng từ gốc và nộp phí nhận hàng. Với các container đã thu hồi được bộ chứng từ gốc, doanh nghiệp đang tìm kiếm đối tác tại châu Âu để bán lại nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Đại sứ quán Italy tại Hà Nội cũng nhận định, đây là vụ việc rất phức tạp, cần xác minh rõ sự việc và trách nhiệm tất cả chủ thể liên quan.
"Rất hiếm khi xảy ra gian lận thương mại giữa Italy và Việt Nam do các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ. Với 41 triệu USD sản phẩm nhập khẩu năm 2021, Italy là thị trường tiêu thụ hạt điều quan trọng của Việt Nam. Chúng tôi cam kết thúc đẩy các mối quan hệ kinh doanh công bằng và có lợi cho tất cả các bên", Đại sứ quán khẳng định.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy liên hệ với các chủ tàu, trực tiếp đến thành phố Genova, Napoli để xác minh thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam cách giải quyết.
Theo đó, gợi ý các đơn vị có liên quan liên hệ với Tòa án kinh tế quốc tế, Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế tại Việt Nam yêu cầu can thiệp, có ý kiến với các hãng tàu dừng giao hàng cho người mua trong nhóm nghi vấn là lừa đảo, nhằm giảm tối đa tổn thất cho doanh nghiệp Việt.
Văn phòng luật sư Davide Gallasso (đơn vị được doanh nghiệp Việt Nam thuê) đang phối hợp với bộ phận Thương vụ Việt Nam tại Italy để xử lý vụ việc.
Phía luật sư cho biết đã làm việc với công an, hải quan, các hãng tàu và lấy phán quyết từ toà án để hàng không được thông quan dù họ có trong tay bộ giấy tờ gốc. Luật sư cũng đang tiếp tục làm việc với các ngân hàng để xem ai là người chịu trách nhiệm cho vụ việc này, đồng thời, sẽ làm việc để lấy lại quyền sở hữu hàng hoá cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước sự phức tạp, nghiêm trọng của vụ việc, các Bộ, cơ quan cùng đồng loạt vào cuộc giúp tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề xuất Thủ tướng loạt giải pháp, như giao Bộ Giao thông Vận tải làm việc với các hãng tàu vận tải 36 container hàng đang thất lạc hồ sơ gốc để phối hợp giữ hàng, tạo điều kiện cho bên luật sư xử lý dứt điểm vụ việc, để doanh nghiệp được lấy lại hàng và tái xuất sang thị trường khác.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp làm việc với các ngân hàng thương mại (là ngân hàng thực hiện nghiệp vụ nhận tiền cho công ty xuất khẩu) rà soát lại quá trình thực hiện giao dịch với ngân hàng của bên mua hàng để xác định nguyên nhân và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xử lý hồ sơ của những lô hàng đang thất lạc hồ sơ gốc.
Bộ Công an tìm hiểu vụ việc, nếu phát hiện có yếu tố phạm pháp là các tổ chức, cá nhân trong nước thì xử lý theo quy định pháp luật Việt Nam; là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, làm việc với Interpol để xử lý theo quy định quốc tế.
Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Điều Việt Nam phổ biến cho các doanh nghiệp kiến thức kinh tế, thương mại quốc tế tốt, thận trọng khi giao dịch với các bạn hàng mới để tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Các doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng xuất khẩu phải phối hợp với hiệp hội ngành hàng, Thương vụ Việt Nam tại nước nhập khẩu để tìm hiểu rõ về đơn vị môi giới, khách hàng, ngân hàng thanh toán, tránh những rủi ro trong thương mại.
PN (Nguoiduatin.vn)