Vợ chồng anh Minh - chị Nguyệt năm nay 34 tuổi, trú tại Vạn Phúc, Hà Đông. Nhiều năm nay, anh chị làm công ăn lương và có cuộc sống khá ổn định. Chị Nguyệt là nhân viên truyền thông một công ty ở Láng Hạ, Hà Nội với lương tháng 10 triệu đồng. Anh Minh làm trưởng nhóm kinh doanh một công ty dược nên lương và doanh thu được 13 triệu đồng. Tổng thu nhập hai vợ chồng khoảng 23 triệu đồng mỗi tháng.
“Do đã có nhà riêng nên vợ chồng tôi chi tiêu khoảng 13 triệu/tháng, còn dư 10 triệu. Chúng tôi đã có một bé trai 2 tuổi và tôi đang mang bầu lần hai được 3 tháng”, chị Nguyệt chia sẻ.
Chị Nguyệt cho hay, bố mẹ chồng chị cho vợ chồng chị một mảnh đất 100m2 ở gần nhà. Mảnh đất này tuy ở trong ngõ nhưng lại nằm cạnh trường học cấp 2. Thấy nhiều người xung quanh đang bán đồ ăn sáng, trà sữa... nên vợ chồng chị cũng nhăm nhe ý tưởng kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 đầy khó khăn như hiện nay.
Tuy nhiên, khi chị Nguyệt định mở hàng ăn vặt cho tụi trẻ nhỏ thì chồng chị gàn. “Chồng tôi bảo thứ nhất tôi đang mang bầu, thời gian thai kỳ còn lại thì tốt nhất tôi nên tĩnh dưỡng để sau này được mẹ tròn con vuông. Chưa kể khi con sinh ra, tôi là mẹ còn phải dành 2-3 năm để chăm sóc nữa. Không nên tự bày ra kinh doanh này nọ cho mệt, nhất là lĩnh vực ăn uống hai vợ chồng chưa có chút kinh nghiệm nào.
Thứ hai, nếu tôi ở nhà mở cửa hàng ăn hoặc tạp hóa, coi như mất một khoản lương cố định hàng tháng. Tiền kiếm ra từ việc bán hàng có khi còn chưa đủ từng đó hàng tháng.
Thứ ba, việc xây cửa hàng cũng khá tốn kém, lúc đó lại phải vay thêm ngân hàng, áp lực trả lãi sẽ rất mệt mỏi”, chị Nguyệt kể.
Thấy chồng phân tích như vậy, chị Nguyệt nhận thấy cũng có nhiều điểm hợp lý. Vì thế, sau khi bàn bạc, vợ chồng chị quyết định dành 220 triệu xây nhà cấp 4 và chia nhà đó thành 2 căn. Sau đó, anh chị cho thuê lại mặt bằng để kiếm đồng ra đồng vào.
“Nghĩ là làm, vợ chồng tôi đã xây nhà cấp 4 trên diện tích 100m2 ấy với số tiền 220 triệu đồng. Tất nhiên nhà xây chỉ xây tạm thôi. Sau 2 tháng thi công, nhà đã hoàn thành.
Một tháng sau khi nhà xây xong, vợ chồng tôi cho một khách thuê bán trà sữa và đồ ăn vặt cho học sinh với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Căn bên kia cho một khách sửa xe máy, xe đạp thuê với giá 2,5 triệu/tháng. Như vậy, mỗi tháng vợ chồng tôi có thêm 5 triệu từ khoản tiền thuê cho nhà. Hơn nữa, một trong hai vợ chồng không phải nghỉ việc mất thu nhập hoặc đau đầu xem xung quanh có ai cạnh tranh hay một ngày bán được bao nhiêu cốc, lời lãi bao nhiêu...” , chị Nguyệt nói.
Tính đến nay, vợ chồng trẻ này vừa đi làm, vừa có thu nhập thụ động. Mỗi tháng, họ tiết kiệm được 15 triệu đồng bao gồm cả tiền cho thuê cửa hàng và tiền lương. Với số tiền tiết kiệm này, chị Nguyệt cho hay đang để dành trong ngân hàng. Anh chị dự định khi để dành được vài trăm triệu, chị sẽ rút ra và vay thêm ngân hàng để đầu tư mua đất nền ở ven đô đầu tư sinh lời trong tương lai.
“Nhà mình đang tính đến hai phương án đầu tư. Đó là khi tiết kiệm được khoảng 300-500 triệu, mình sẽ vay thêm ngân hàng, mua mảnh đất nền ven đô khoảng 700-800 triệu vứt đó vài năm đầu tư sinh lời.
Ngoài ra, chồng tôi cũng dự định, vài năm nữa tùy theo tình hình vợ chồng tôi sẽ xem xét bán miếng đất 100m2 kia để mua một mảnh nhỏ hơn ở mặt đường rộng, khu đông dân cư hay khu hành chính đông người qua lại để kinh doanh bán hàng. Còn với dịch bệnh như này, tôi thấy hài lòng với quyết định của mình rồi”, chị Nguyệt cho hay.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)