Kể từ ngày “lên đời” là thành phố đáng sống, du khách ào ào đổ về Đà Nẵng khiến nhiều người đổ xô mua đất xây khách sạn. Cách đây 5-6 năm, kinh doanh nghề này được xem là nghề hái ra tiền ở Đà Nẵng. Thế nhưng, giờ đây, nhiều ông chủ vội rao bán hàng loạt khách sạn vừa và nhỏ hòng kịp thu hồi vốn.
Những ngày đầu năm 2017, chuẩn bị cho một mùa đón khách du lịch, nhưng các khách sạn vừa và nhỏ khu vực ven biển Đà Nẵng vẫn vắng khách.
Do ế ẩm, nhiều ông chủ đã phải rao bán khách sạn. Chỉ cần lên Google gõ từ khoá “bán khách sạn Đà Nẵng”, trong vòng 0,42 giây đã cho ra khoảng 29.600 kết quả liên quan.
Nhớ lại thời hoàng kim hơn 7 năm trước, ông Lê Xuân Tâm, chủ một khách sạn nhỏ khu vực ven biển Mỹ Khê, kể rằng, khi Đà Nẵng được tụng ca là thành phố đáng sống, là nơi có bãi biển đẹp nhất hành tinh thì du khách nườm nượp đổ về đây. Các khách sạn lúc nào cũng kín phòng, kể cả mùa thấp điểm.
Khách sạn tiêu chuẩn 4-5 sao ở Đà Nẵng đều kín phòng. |
Những con số thống kê về lượng khách du lịch năm sau luôn cao hơn năm trước khiến nhiều người như ông Tâm nhận thấy, đây là cơ hội hái ra tiền. Ông cũng như bao người khác đã huy động vốn xây dựng khách sạn, nói dân dã là "đi trước thời đại", hòng đón đầu số khách du lịch ngày càng gia tăng.
Vì thế, chỉ trong vòng 5 năm, hàng trăm nhà nghỉ, khách sạn mini từ 1-3 sao mọc lên san sát trên con phố được mệnh danh là phố khách sạn, nằm giữa bốn tuyến đường chính là Phạm Văn Đồng - Hoàng Sa - Võ Văn Kiệt - Ngô Quyền.
Nằm sát phố khách sạn dọc theo đường Hà Bổng (phường Phước Mỹ, Q.Sơn Trà), ngay sau khách sạn À La Carte 5 sao dài chưa đến 500m, có đến 40 khách sạn lớn, nhỏ các loại. Khổ nỗi, con đường này chỉ rộng 7,5m nên ô tô đậu chật kín vỉa hè và tràn xuống cả lòng đường.
Trong quãng thời gian đó, cả Đà Nẵng sôi động với việc nhà nhà xây khách sạn. Người có đất liên doanh với đại gia có tiền. Người nhiều tiền thì nhanh tay mua đất xây nên khách sạn vừa và nhỏ mọc lên nhiều như nấm sau mưa, khiến cung vượt cầu.
“Do đầu tư ào ạt xây dựng khách sạn nên quá thừa phòng. Để hút khách, nhiều nơi đã phải giảm giá, phá giá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh chung của thị trường. Hàng loạt khách sạn tiêu chuẩn 2-3 sao ven biển mới xây đã giá còn 400.000-500.000 đồng/phòng/ngày nên những khách sạn nhỏ như chúng tôi chỉ còn nằm chờ chết”, ông Tâm buồn bã nói. Hiện ông Tâm cũng như nhiều người đang tìm cách chuyển nhượng để thu hồi vốn do thu không đủ bù chi.
Một con phố đường rộng khoảng 4m dày đặt khách sạn nhỏ và vừa tại Đà Nẵng. |
Trong một danh sách dài những khách sạn rao bán, ông Trần Văn Đ, chủ một sàn giao dịch BĐS ở quận Ngũ Hành Sơn, đưa ra các khách sạn loại 1-2 sao với mức giá từ 10-20 tỷ đồng.
Theo ông Đ., mặc dù chủ các khách sạn đưa mức phí hoa hồng khá cao nhưng rất khó tìm được khách hàng bởi hiện nay, khách sạn quá ế ẩm. “Nhiều trường hợp khách hàng đã xuống tiền cọc, nhưng thấy rất ít khách nên không mua nữa, chấp nhận mất tiền", ông Đ. nói.
Lối thoát nào cho các khách sạn ở Đà Nẵng?
Ngay trong năm 2016, Đà Nẵng đón hơn 5,5 triệu du khách trong và ngoài nước, nhưng công suất hoạt động của các khách sạn chỉ đạt khoảng 50-55%. Con số này buộc nhiều đại gia phải tìm cách rao bán khách sạn để cắt lỗ khi đã lỡ đầu tư.
Theo các số liệu thống kê, tính đến giữa năm 2016, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn TP. Đà Nẵng xấp xỉ trên 535 khách sạn, khu nghỉ dưỡng, với 20.166 phòng. Trong đó, khối 1-2 sao và tương đương có 425 khách sạn với 9.411 phòng.
Đó là chưa kể hàng nghìn nhà nghỉ tư nhân tự phát mọc đầy trong các khu phố, với giá cho thuê tính theo giờ rẻ như bèo.
Bất chấp cảnh báo, hàng loạt khách sạn đã và đang mọc lên làm thị trường vốn đã khó lại càng thêm khó. |
Việc kinh doanh thua lỗ chủ yếu với loại hình khách sạn 1-2 sao. Phần lớn khách sạn này do các nhà đầu tư cá nhân xây dựng một cách tự phát, thiếu thông tin thị trường, thiếu hiểu biết về các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu chuẩn bị nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh,... nên công suất sử dụng phòng rất thấp, thường hạ giá để lôi kéo khách. Trong khi đó, chất lượng phục vụ lại không đảm bảo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh ngành du lịch của Đà Nẵng.
Một số khách sạn mới đưa vào hoạt động cũng hạn chế về thiết kế và công năng sử dụng, không đạt các tiêu chuẩn theo quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dịch vụ, các tiện ích phục vụ nên vắng khách.
Báo cáo của ngành du lịch Đà Nẵng trong dịp Tết Nguyên đán 2017, công suất phòng bình quân của khối khách sạn 3 sao là 46%, 1-2 sao chỉ 23-25% trong khi khách sạn 5 sao đạt đến gần 75%.
Chủ tịch UBND Q. Sơn Trà, bà Trần Thị Thanh Tâm, cho biết, việc phát triển quá nóng các khách sạn mini đã làm vỡ quy hoạch trên địa bàn. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng cần sớm công bố quy hoạch tổng thể các khu vực được phép xây dựng khách sạn, nhằm chấn chỉnh tình trạng xây dựng khách sạn trái phép.
Ông Trịnh Bằng Có - Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - nói thêm, việc phát triển khách sạn đang có vấn đề khi đăng ký kinh doanh là ở Sở KH-ĐT, cấp phép xây dựng là thẩm quyền của Sở Xây dựng, Sở VH TT&DL chỉ làm kế hoạch sau khi các khách sạn ra đời mà không hề có sự phối kết hợp, định hướng, dẫn đến hệ quả xây dựng tràn lan như hiện nay.
Theo Vũ Trung (VietNamNet)