Video: Chánh án tòa tối cao nói về vụ Châu Thị Thu Nga chạy tiền vào Quốc hội
Từ năm 2010 khi hai con đỗ đại học, gia đình bà Bùi Thị Thuỷ ở Hải Dương tính bán đất ở quê, dồn tiền mua căn chung cư ở Hà Nội để tiện sinh hoạt.
Nghe người hàng xóm giới thiệu “có ông chú làm công an, được một suất ngoại giao mua chung cư ở dự án của nữ đại biểu quốc hội”, thấy hợp nhu cầu và “nghe đã thấy toàn người có uy tín”, gia đình bà Thuỷ quan tâm. Bà đi theo lên sàn giao dịch tại Hà Nội để xem mô hình dự án.
Bà được nhân viên Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) tư vấn tận tình. Nhân viên môi giới còn dẫn bà đến vị trí lô đất đang chuẩn bị khởi công ở khu B5 Cầu Diễn (phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm).
Khi đó, bà Thủy được giới thiệu Chủ tịch HĐQT của Housing Group là nữ đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga. Nghe về "vai vế" của chủ đầu tư, cả gia đình bà càng yên tâm, chốt mua nhà tại dự án này.
Cuối năm 2010, bà Thủy cùng gia đình chọn mua căn hộ 75m2 ở tầng 17 thuộc dự án B5 Cầu Diễn với giá 15 triệu đồng một m2. Tiền lương tích cóp không đủ, gia đình bà phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng. Khi đó, bà Thủy được hướng dẫn trả trước 400 triệu đồng tiền nhà cho phó giám đốc dự án, còn 200 triệu đồng trả công cho người môi giới.
Trong bốn năm tiếp theo, bà Thủy yên tâm ở quê chờ nhà mới, chỉ nắm tình hình nhà đặt mua qua người hàng xóm môi giới. Lần nào hỏi, bà Thủy cũng được hứa hẹn “cứ yên tâm, đến năm 2015 sẽ được nhận nhà”. Bà chưa một lần quay trở lại tìm hiểu tiến độ dự án đến đâu.
Đầu năm 2014, còn hơn một năm đến hạn nhận nhà, thấy vài khách cùng mua nhà ở B5 Cầu Diễn chia sẻ trên mạng xã hội về việc đòi tiền đặt cọc bất thành, bà Thủy thấy lo lắng. Hai con bà lúc bấy giờ mới tìm hiểu thông tin về dự án và thấy có điều gì đó bất ổn, song bà không biết làm thế nào, tự an ủi rằng dự án của đại biểu Quốc hội thì chắc phải có uy tín.
Vài tháng sau đó, bà sững người khi người hàng xóm thông báo dự án hiện vẫn bỏ hoang, chủ đầu tư không có khả năng xây dựng. Điều này đồng nghĩa với việc tiền đầu tư của nhà bấy lâu sẽ mất trắng.
Lo lắng, bà xin nghỉ phép để về Hà Nội, chầu trực ở Housing Group đòi lại tiền từ mờ sáng đến tối mịt. Đáp lại, bà chỉ nhận được lời hứa miệng của lãnh đạo rằng mọi việc rồi sẽ được giải quyết ổn thoả. “Mọi hy vọng của tôi bị dập tắt hoàn toàn khi bà Nga bị bắt vào năm 2015”, giờ kể lại bà Thủy vẫn bần thần.
Uớc mơ có căn hộ ở thủ đô của gia đình bà hiện dang dở. Sau 8 năm, gia đình bà phải "đau đầu" xoay xở để trả khoản nợ ngân hàng khi mua nhà, chỉ dám thuê căn nhà trọ chật hẹp tại Hà Nội.
Giọng đượm buồn, bà nói ‘mình chịu khổ cả đời cũng được’, nhưng thương mấy cháu ngoại phải sống trong cảnh tạm bợ tại căn nhà trọ đến chỗ ngồi chơi cũng chẳng có. Không có nhà, cậu con trai chưa dám lấy vợ vì chẳng biết ở đâu.
Cùng cảnh ngộ như bà Thuỷ, năm 2010, bà Trần Thị Nhuần (53 tuổi, quê Hà Nam) cũng qua “cò mồi” để mua căn hộ 90m2 ở tầng 16, tòa A của dự án B5 Cầu Diễn. Tin “chủ đầu tư là Đại biểu quốc hội”, bà Nhuần chi 800 triệu đồng để đặt cọc dù chỉ thấy khu đất quây bạt kín mít. 400 triệu đồng trong số tiền này, bà trả công cho người môi giới. Mọi giao dịch về tiền chỉ chỉ có giấy nhận viết tay, không biên lai.
Mua nhà bằng niềm tin
Bà Thủy, Nhuần chỉ là hai trong hơn 700 nạn nhân mua nhà ở dự án B5 Cầu Diễn và ngày 18/4 vụ án sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm.
Hiện, dự án vẫn là khu đất trống cỏ mọc um tùm với quây tôn kín xung quanh, lèo tèo 10 cột móng bê tông bên cạnh vài nhà tạm cấp bốn.
Bản án sơ thẩm do TAND Hà Nội tuyên giữa tháng 10/2017 cho thấy, ngày 1/8/2008, bà Châu Thị Thu Nga và ông Nguyễn Văn Tuẫn (cựu chủ tịch công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng nhà Hà Nội - HAIC) ký hợp đồng hợp tác về thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5 ở Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Khu đất có tổng diện tích hơn 22.000 m2, nằm trong 29.000m2 đất công ty HAIC được Nhà nước giao, cho thuê. Tuy nhiên, cuối 2010, Hà Nội chỉ đồng ý duyệt liên danh giữa hai công ty ở lô đất B5 và hướng dẫn lập quy hoạch điều chỉnh lô đất chứ chưa cấp phép xây dựng.
Dù vậy, từ trước đó, năm 2009 bà Nga vẫn chỉ đạo thuộc cấp rao và "bán căn hộ trên giấy". Theo cáo buộc từ năm 2009 đến năm 2013, Housing Group đã ký 752 hợp đồng huy động vốn của 726 khách hàng, thu 377 tỷ đồng với cam kết sẽ chuyển nhượng quyền sử dụng số căn hộ tương đương từ tầng hai đến 33 tại các toà nhà.
TAND Hà Nội nhận định bà Nga đã lừa, chiếm đoạt 377 tỷ đồng của 726 khách hàng thông qua 752 hợp đồng góp vốn. Trong số tiền này, bà Nga chỉ trả lại 28 tỷ cho 43 khách hàng.
Bản án sơ thẩm tuyên bà Nga phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điều 139 Bộ luật Hình sự 1999) và phải nhận án tù chung thân. Bà này còn bị buộc phải bồi thường cho khách mua nhà 55 tỷ đồng. Chín thuộc cấp ở công ty Housing Group của bà Nga bị tuyên cùng tội danh với mức án từ 36 tháng tù treo tới bảy năm tù giam, song không phải bồi thường dân sự. Trách nhiệm dân sự còn lại thuộc về Housing Group với mức bồi thường 187 tỷ đồng.
Theo phán quyết của toà sơ thẩm, hơn 500 bị hại sẽ được nhận tiền bồi thường từ bà Nga và công ty Housing Group.
Bị hại có cơ hội được nhận nhà hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho biết khoản tiền bị hại nộp cho Housing Group có phiếu thu sẽ được tính vào khoản tiền mà công ty có nghĩa vụ bồi thường. Tuy nhiên phải đợi đến khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, bị hại mới có quyền làm đơn gửi lên Cục Thi hành án dân sự Hà Nội yêu cầu thực thi quyền lợi được nhận tiền bồi thường.
Việc bồi thường sẽ căn cứ vào những tài sản của bà Nga bị kê biên, tạm giữ.
Trước việc nhiều bị hại cho mong muốn tiếp tục được nhận nhà nếu lô đất được giao cho chủ đầu tư khác triển khai, luật sư Cường cho rằng việc này là không thể vì "đây là giao dịch dân sự hoàn toàn khác".
Còn khoản tiền nộp cho môi giới được coi là giao dịch dân sự giữa người mua với người môi giới. Để đòi lại, nạn nhân phải khởi kiện trong vụ án dân sự khác.
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)