Bác tất cả quan điểm bào chữa, VKS kết luận bà Châu Thị Thu Nga bán trái phép 1.600 căn hộ, chiếm đoạt 348 tỷ.
Chiều 10/10, phiên xét xử cựu đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bước vào phần đối đáp.
Trong khoảng 30 phút, nam công tố viên đã tranh tụng với quan điểm bào chữa các luật sư nêu trong hơn một ngày qua. Nội dung đối đáp không khác cáo buộc tại bản cáo trạng.
Cựu ĐBQH Châu Thu Nga tại phiên xét xử. |
Thứ nhất, VKS cho rằng công ty Housing Group chưa được cấp giấy chứng nhận là chủ dự án chung cư B5 Cầu Diễn (Hà Nội), chưa có giấy phép xây dựng ở thời điểm huy động vốn. Trong khi theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư muốn huy động vốn phải có thiết kế nhà và đã được cấp phép. Housing Group không đáp ứng được các điều kiện này. Hậu quả là số tiền khách hàng nộp đã bị bà Nga chiếm đoạt.
Bà Nga ra nghị quyết HĐQT cho phép tổng giám đốc huy động vốn của khách hàng, lập kế hoạch vay vốn.. Trong các cuộc họp giao ban tại công ty, bà Nga đều thông báo dự án đang xin phép nhưng lại chỉ đạo thuộc cấp thực hiện các phần việc như thể dự án đã được cấp phép. Đó là công bố trên website rằng công ty là chủ đầu tư, dựng mô hình thiết kế các tòa nhà 29-33 tầng với gần 1.700 căn, tổ chức thi công cọc khoan nhồi để thể hiện Housing Group đã được cấp phép xây dựng, đang triển khai… Ngoài ra để khách tin tưởng bà Nga yêu cầu nhân viên lập các hợp đồng dưới nhiều tên gọi (đặt cọc, vay vốn, thỏa thuận góp vốn, vay vốn... ) với khách hàng mua căn hộ tại dự án này.
Theo VKS, đây là những hành vi bị pháp luật cấm nhưng bà Nga vẫn làm. Tổng số tiền chiếm đoạt tới gần 350 tỷ đồng.
"Hồ sơ vụ án có đủ căn cứ kết luận bị cáo Nga cùng chín đồng phạm chiếm đoạt hơn 348 tỷ đồng. Hành vi chiếm đoạt chỉ xác định trong một lần nên không giảm trừ khoản tiền 157 tỷ được tách ra điều tra ở giai đoạn hai vụ án", VKS đối đáp trước việc nhiều luật sư cho rằng số tiền 157 tỷ đồng bị tính hai lần.
VKS cho rằng áp dụng nguyên tắc một hành vi không xử lý hai lần nên buộc bà Nga bồi thường gần 350 tỷ đồng trong vụ án này là có căn cứ
Luật sư: Cáo buộc của VKS quá ‘lung lay’, không thuyết phục
Luật sư Hoàng Văn Hướng, bào chữa cho Châu Thị Thu Nga, xin đối đáp "chảy xuôi theo các quan điểm VKS vừa trình bày".
Thứ nhất, VKS cho rằng Housing Group chưa được cấp phép là chủ đầu tư dự án B5 nhưng thực tế thì "đã có việc công nhận". "Dự án B5 Cầu Diễn có hai phần. Chúng ta buộc phải tin tưởng văn bản 4368/2008 cho phép Công ty HAIC làm chủ đầu tư, sau đó phát sinh ra liên danh giữa HAIC với Housing Group. Như vậy, VKS nói chưa hợp pháp là chưa hợp lý”, luật sư nói.
Về việc huy động vốn trái phép, theo luật sư phải chứng minh "trái phép theo nguồn luật nào" vì có nhiều luật điều chỉnh và phải tôn trọng luật chuyên ngành. "Trong vụ án này phải áp dụng luật kinh doanh bất động sản chứ không phải luật nhà ở như VKS dẫn giải. Các buộc tội của VKS quá lung lay”, ông Hướng đối đáp.
Thứ ba, việc bà Nga ra nghị quyết, lập kế hoạch vay vốn, luật sư cho rằng điều này là đúng đắn vì doanh nghiệp nào cũng phải có quá trình chuẩn bị kế hoạch kinh doanh.
Vấn đề thứ tư, luật sư cho rằng việc đưa thông tin lên trang web không thể là căn cứ xác định hành vi gian dối. Còn mô hình nhà đến tháng 1/2011 mới có, trong khi giao kết với khách hàng ký từ 2008...
“Cáo trạng vin vào những cái này để buộc tội thì không thể nào thuyết phục được chúng tôi”, luật sư nói.
Luật sư cho rằng không thể buộc tội thân chủ mình phải chịu trách nhiệm với gần 350 tỷ đồng. Cáo trạng nêu có 85 tỷ đồng đầu tư vào hạng mục của công ty nên không thể nói bà Nga mang về chiếm đoạt. 25 tỷ chi cho các dự án khác cũng là hợp pháp. "Còn 157 tỷ, nếu đưa vào quy buộc ở vụ án này thì khi điều tra xét xử ở giai đoạn hai lấy gì làm căn cứ?", luật sư tranh tụng với cơ quan công tố.
Theo VnExpress.net