Trong khi Vinastas vẫn lần lữa trong cung cấp thông tin về nước mắm thì đơn vị cấp trên của hiệp hội đã yêu cầu báo cáo rõ ràng với dư luận và phải xin lỗi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, một vài lãnh đạo VINASTAS khi phóng viên hỏi đều từ chối bình luận, vì chủ trì khảo sát và các vấn đề về phát ngôn đều do ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký phụ trách.
Chiều 25/10, qua điện thoại, ông Vương Ngọc Tuấn cho biết hiện ông đang đi công tác nên không dự cuộc họp của Ban thường vụ, không rõ nội dung ra sao. Theo ông Tuấn, những gì trả lời được ông đã trả lời, những vấn đề khác ông sẽ phản hồi với các cơ quan chức năng.
“Việc xin lỗi người tiêu dùng hay không cũng không trả lời báo chí được”, ông Tuấn nói.
Người tiêu dùng lựa chọn nước mắm Phú Quốc tại siêu thị Fivimart (Hà Nội). |
“Đúng thì nói đúng, sơ suất phải sửa ngay, nếu không nói gì sẽ khiến sự việc trở nên phức tạp hơn. Nếu sai phải xin lỗi người tiêu dùng”.
TS. Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trao đổi với Tiền Phong, TS. Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - hội cấp trên của VINASTAS, cho biết ngày 24/10, VUSTA đã có văn bản yêu cầu VINASTAS làm rõ các vấn đề liên quan.
Cụ thể, VINASTAS phải có báo cáo giải trình cụ thể với các cơ quan chức năng về việc công bố chất lượng nước mắm, nhất là về Arsen tổng.
Đồng thời, VINASTAS phải có giải thích cụ thể, rõ ràng với dư luận, người tiêu dùng vì hiện thông tin đang rất nhiều chiều, gây hiểu nhầm, làm ảnh hưởng uy tín nhiều năm xây dựng của hội.
Theo ông Tân, từ ngày VUSTA ra đời tới nay, đây là lần đầu tiên có thành viên của hội xảy ra sự cố lớn như vậy. “Bản thân hội thì không có vấn đề gì, nhưng có thể có cá nhân nào đó có ý đồ, làm cho sự việc bị méo mó, danh tiếng của hội cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt ở đây lại là hội bảo vệ người tiêu dùng”, ông Tân nói thêm.
Ông Ngô Quang Tú, Trưởng phòng Chế biến bảo quản Thủy sản (Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết cần sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, đồng thời rà soát, sửa đổi Tiêu chuẩn kỹ thuật về nước nắm hiện đã cũ, mới giúp thị trường nước nắm rõ ràng, minh bạch hơn.
Theo ông Tú, hiện cả nước có khoảng 2.700 cơ sở chế biến nước mắm lớn nhỏ, giá trị khoảng 7.000 tỷ đồng. Sản phẩm nước mắm là thứ nước chấm, gia vị mang “quốc hồn, quốc túy” của người dân Việt xưa nay. Tuy nhiên, khoảng 10 năm lại đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại sản phẩm tương tự như nước nắm (còn gọi là nước mắm công nghiệp, nước nắm pha chế, nước chấm có thành phần nước mắm…), làm cho người tiêu dùng dễ lẫn lộn.
Hiện cạnh tranh giữa các loại sản phẩm nêu trên được đẩy đến đỉnh điểm, gọi là “cuộc chiến nước nắm”.
Ông Tú cho biết Tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 về nước mắm ban hành đã hơn 13 năm nay. Hiện bộ tiêu chuẩn này không còn đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất, phân phối, lưu thông, cũng như người tiêu dùng về tên gọi, phân hạng, chỉ tiêu hóa sinh, kim loại nặng, phụ gia, phương pháp phân tích… Do vậy, trong ngày 24/10, Cục đã có kiến nghị với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) về soát xét, sửa đổi Tiêu chuẩn TCVN 5107:2003 về nước mắm.
Tuy nhiên theo ông Tú, quan trọng nhất là bộ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước mắm vẫn chưa có. Bộ Y tế chủ trì xây dựng Quy chuẩn này từ năm 2012 đến nay vẫn chưa được ban hành.
“Việc này cần phải làm ngay, khi có Quy chuẩn, các nhà sản xuất nước mắm phải thay đổi nhãn mác, bao bì rõ ràng, minh bạch… để người tiêu dùng lựa chọn, chứ không để mập mờ như hiện nay”, ông Tú nói.
Ông Tú cũng cho biết lâu nay nói đến nước nắm là từ cá và muối, chứ không có khái niệm “nước mắm truyền thống” hay “nước mắm công nghiệp”.
“Đúng thì nói đúng, sơ suất phải sửa ngay, nếu không nói gì sẽ khiến sự việc trở nên phức tạp hơn. Nếu sai phải xin lỗi người tiêu dùng”, ông Tân nói. |
Theo L.H.Việt - Phạm Anh (Tiền Phong)