Theo báo cáo tài chính quý III/2018 do Vinaconex mới công bố, doanh thu và lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đều sụt giảm. Tính trong 9 tháng đầu năm nay, Vinaconex ghi nhận 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017.
Tình hình kinh doanh không mấy khả quan nên câu hỏi khiến không ít nhà đầu tư đặt ra, vì sao Vinaconex lại hấp dẫn những nhà đầu tư là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập như vậy?
Một doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập liệu có đủ năng lực tài chính và quản trị để vực dậy hay chỉ đơn thuần là vì sự hấp dẫn từ những lô đất trị giá nghìn tỷ của Vinaconex?
Khối bất động sản Vinaconex có gì?
Theo bản công bố thông tin mới nhất, tính đến nay Vinaconex đang quản lý 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Phần lớn những khu đất có diện tích lớn tại Hà Nội đang được Vinaconex triển khai dự án và cho thuê mặt bằng, hạ tầng khu công nghiệp.
Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,77 triệu m2 nằm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đây là khi đất do Vinaconex thuê lại từ Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc để đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, thời gian thuê 48 - 49 năm. Hiện nay dự án đã giải tỏa mặt bằng sạch khoản 190,8 ha, diện tích đã chi trả tiền còn vướng mắc 42,5 ha và 37,5 ha còn chưa chi trả.
Doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật…). Dự án có quy mô đầu tư 1.316,7 tỷ đồng và tiến độ thực hiện từ 2014 đến 2020.
Vinaconex còn có khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.
Ngoài các lô đất thuộc công ty mẹ Vinaconex, 25 công ty con và 8 đơn vị liên doanh, liên kết của tổng công ty cũng có quỹ đất riêng.
Đáng chú ý nhất là khu đất xấp xỉ 33.000 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội - nơi đang được triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora). Vinaconex hiện sở hữu 50% vốn góp của Công ty cổ phần An Khánh JVC - chủ đầu tư dự án này. Trước đây, dự án Bắc An Khánh là liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C theo tỷ lệ góp vốn 50:50. Posco E&C sau đó đã chuyển nhượng 50% vốn góp cho Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long, công ty liên quan đến nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo, với giá chuyển nhượng khoảng 600 tỷ đồng.
Cùng với các dự án trên, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97- 99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng. Trong đó tại 93 Láng Hạ, Vinaconex sở hữu hơn 98% phần vốn, còn dự án 97-99 Láng Hạ doanh nghiệp nắm giữ với tỷ lệ 45%.
Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).
Khu đất Nguyễn Huy Tưởng có quy mô khoảng 3.050 m2, trong đó diện tích đất xây dựng công trình khoảng 1.516,8 m2, bao gồm một tòa nhà chung cư 33 tầng với 3 tầng hầm và 4 nhà liên kế thấp tầng.
Giới phân tích cho rằng quỹ đất này chính là lý do khiến nhà đầu tư bỏ ra mức giá cao hơn 56% so với thị trường để sở hữu cổ phần mà SCIC thoái vốn tại đây. Lô cổ phần được sở hữu bởi Viettel cũng được nhiều nhà đầu tư sắp hàng đấu giá.
Hồ sơ nhà đầu tư “bạo chi” mua Vinaconex thế nào?
Một số nguồn tin xác nhận Công ty TNHH An Quý Hưng là đơn vị đã sở hữu toàn bộ số cổ phần chào bán trị giá gần 7.400 tỷ đồng của Vinaconex do SCIC sở hữu trước đó.
Được thành lập vào năm 2001, doanh nghiệp có trụ sở tại Chương Mỹ, Hà Nội, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng do ông Nguyễn Xuân Đông làm Tổng giám đốc.
Theo giới thiệu tại website công ty, An Quý Hưng đã có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Doanh nghiệp này cũng đã từng tham gia hợp tác đầu tư vào dự án tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex tại Hà Nội cùng với Văn Phú Invest (VPI). Tuy vậy, doanh nghiệp này đã rút khỏi dự án này chỉ sau một thời gian ngắn tham gia.Ngoài ra, An Quý Hưng còn thành lập ra công ty bất động sản An Quý Hưng Land chuyên phân phối các sản phẩm bất động sản.
Về quy mô, tháng 4/2017, An Quý Hưng thực hiện tăng vốn lên 360 tỷ đồng và mới đây, vào ngày 12/11/2018, An Quý Hưng đã hoàn tất tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Hai cổ đông của công ty là ông Nguyễn Xuân Đông nắm giữ 78,4% cổ phần và vợ ông Đông - bà Đỗ Thị Thanh, nắm giữ phần còn lại.
Kết thúc năm 2017, công ty An Quý Hưng có tài sản ngắn hạn gần 550 tỷ đồng, dài hạn 450 tỷ đồng và tổng cộng nguồn vốn gần 1.000 tỷ đồng. Năm 2017, công ty đạt 956 tỷ đồng doanh thu thuần và 62,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Nhìn vào quy mô và số tiền chi ra để sở hữu cổ phần ở Vinaconex có thể thấy sự không tương xứng.
Đây cũng không phải doanh nghiệp danh tiếng trong ngành, nhưng không phải là "người lạ" với Vinaconex. Trong lịch sử An Quý Hưng đã có mối duyên nợ với tập đoàn này thông qua việc thâu tóm công ty con của họ.
Năm 2013, An Quý Hưng từng mua cổ phần Vimeco - công ty con do Vinaconex nắm 51% vốn. Sau nhiều lần mua vào An Quý Hưng đã nâng tổng số cổ phần nắm giữ lên gần 3,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 30,97%. Ông Nguyễn Xuân Đông, Tổng giám đốc An Quý Hưng, còn từng giữ vị trí thành viên HĐQT của Vimeco giai đoạn 2014 - 2017. Tuy nhiên, năm 2016, An Quý Hưng đã thoái vốn khỏi Vimeco.
Ông Đông hiện cũng là thành viên HĐQT của Hải Phát, một doanh nghiệp bất động sản mới niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)