Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, vào 15h ngày 22.11 tới sẽ tổ chức bán đấu giá trọn lô hơn 94 triệu cổ phiếu của Vinaconex, tương đương 21,28% cổ phần, của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Giá khởi điểm mỗi cổ phần là 21.300 đồng. Nếu giao dịch thành công, Viettel sẽ thu về hơn 2.000 tỷ đồng.
Bán giá cao, con trai ông Trịnh Văn Bô vẫn mua
Tham gia vụ đấu giá này có Công ty cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ. Theo đó, công ty cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập đầu năm 2010 với 6 cổ đông cá nhân, có trụ sở tại quận Hà Đông, Hà Nội với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản.
Theo thông tin đăng ký kinh doanh, đơn vị này thực hiện tăng vốn điều lệ lên 380 tỷ đồng vào năm 2015. Đặc biệt, người đại diện theo pháp luật của Thăng Long Việt Nam là ông Trịnh Cần Chính (con trai của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô) làm Tổng giám đốc. nNhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô là người từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng vào năm 1945.
Tuy vậy, tên tuổi của doanh nghiệp của ông Trịnh Cần Chính được gắn với 2 dự án đã từng dính phải lùm xùm liên quan đến việc huy động vốn trái phép của khách hàng nhưng không triển khai dự án trước khi “sang tay” cho Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam của Trịnh Văn Bô.
Điều đáng nói, chỉ với vốn điều lệ 380 tỷ nhưng con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô sẵn sàng bỏ ra 2.000 tỷ ôm trọn lô cổ phần VCG.
Cũng theo thông tin từ HNX, Viettel đã đưa ra giá bán cổ phiếu VCG cao hơn thị giá cổ phiếu này trên sàn. Nếu xét trong vòng 6 tháng qua, cổ phiếu của Vinaconex (mã VCG) chưa khi nào vượt được ngưỡng 20.000 đồng và hiện giao dịch ở quanh mức giá 18.600 đồng mỗi cổ phiếu.
Trong phiên giao dịch sáng nay (19.11), cổ phiếu VCG được giao dịch ở mức giá 18.200 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, mức giá khởi điểm Viettel đưa ra là mỗi cổ phần VCG là 21.300 đồng. Nếu giao dịch thành công, Viettel sẽ thu về hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu giao dịch thành công, ông Trịnh Cần Chính, con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, sẽ phải chi tối thiểu 2.000 tỷ đồng để sở hữu lô cổ phiếu VCG.
Điều đáng lưu ý, một cổ đông lớn khác của Vinaconex là Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng thông báo bán toàn bộ gần 255 triệu cổ phiếu VCG.
Năm 2017, SCIC từng chào bán 96,2 triệu cổ phần Vinaconex, tương đương 22% vốn của tổng công ty này nhưng kết quả không được như mong muốn. Đợt đấu giá đó, SCIC chỉ bán được 5,3 triệu cổ phần, tương đương 1,2% vốn điều lệ.
Sức hấp dẫn nào từ Vinaconex?
Câu hỏi khiến không ít nhà đầu tư đặt ra, vì sao Vinaconex lại hấp dẫn những nhà đầu tư là doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp mới thành lập như vậy? Trong khi, những doanh nghiệp bất động sản tên tuổi lại vắng bóng trong cuộc đấu giá lần này?
Một điểm có thể lý giải là kết quả kinh doanh của Vinaconex trong những năm qua có xu hướng sụt giảm. Cụ thể như năm 2018. Theo báo cáo tài chính quý III.2018 do Vinaconex mới công bố, doanh thu và lợi nhuận quý III và 9 tháng đầu năm của doanh nghiệp này đều sụt giảm. Tính trong 9 tháng đầu năm nay, Vinaconex ghi nhận 368 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2017.
Vậy, với doanh nghiệp đang có sự sụt giảm về lợi nhuận như vậy, một doanh nghiệp nhỏ, mới thành lập liệu có đủ năng lực tài chính và quản trị để vực dậy hay chỉ đơn thuần là vì sự hấp dẫn từ những lô đất trị giá nghìn tỷ của Vinaconex? Và đây có thể cũng không phải là trường hợp ngoại lệ đối với con trai ông Trịnh Văn Bô?
Theo bản công bố thông tin mới nhất, tính đến thời điểm hiện tại Vinaconex đang sở hữu 3,2 triệu m2 đất của Vinaconex. Cụ thể, Vinaconex đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Phần lớn những khu đất có diện tích lớn tại Hà Nội đang được Vinaconex triển khai dự án và cho thuê mặt bằng, hạ tầng khu công nghiệp.
Khu đất lớn nhất của Vinaconex có diện tích hơn 2,7 triệu m2 nằm tại Khu CN CNC2 Hòa Lạc. Doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (hệ thống đường giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý chất thải, thông tin liên lạc và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật…). Dự án có quy mô đầu tư 1.316,7 tỷ đồng và tiến độ thực hiện từ 2014 đến 2020.
Vinaconex cũng sở hữu khu đất hơn 356.171 m2 tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 1 (Quốc Oai, Thạch Hòa), được cho thuê mặt bằng và hạ tầng.
Vinaconex đang có lô đất với diện tích 32.696 m2 tại xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội và theo kế hoạch sẽ triển khai dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Splendora).
Cùng với các dự án trên, Vinaconex cũng đang thực hiện 2 dự án cải tạo chung cư cũ tại 93, 97-99 Láng Hạ, với tổng mức đầu tư dự kiến lần lượt 949 tỷ đồng và 618,7 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng).
Với lượng quỹ đất trên, sẽ là lợi thế với các doanh nghiệp bất động sản lớn nếu có thể góp vốn cổ phần tại Vinaconex. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây lắp của Vinaconex cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án. Công ty từng có kinh nghiệm, tham gia triển khai xây dựng hạ tầng nhiều dự án (cầu Nhật Tân, cao tốc Nội Bài- Lào Cai, Thủy điện Cửa Đạt…).
Đây có lẽ là lý do khiến con trai ông Trịnh Văn Bô muốn mua Vinaconex với giá cao?
Theo Huyền Anh (Dân Việt)