Vietnam Airlines thông báo chuyện chưa từng có trong lịch sử, điều thần kỳ đến từ 'cục nợ'

03/05/2024 18:19:41

Trước thông tin tích cực này, cổ phiếu của Vietnam Airlines đã có một phiên tăng trần, trắng bên bán, giao dịch ở mức 18.500 đồng/cổ phiếu.

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - HVN) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024.

Cụ thể, HVN đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ Vietnam Airlines thu hơn 22.100 tỷ đồng. Đây là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán hàng đạt hơn 4.368 tỷ đồng, doanh thu vận tảu hàng không là hơn 22.551 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phụ trợ vận tải và sửa chữa máy bay là 899 tỷ đồng, phần còn lại đến từ doanh thu khác.

HVN cũng nhận được gần 138 tỷ đồng từ doanh thu hoạt động tài chính, giảm mạnh so với mức 366 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Chi phí tài chính lại tăng gần gấp đôi lên mức 1.470 tỷ đồng do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng. Trong kỳ, công ty lỗ ròng gần 650 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá do công ty có nhiều khoản nợ vay bằng ngoại tệ.

Vietnam Airlines thông báo chuyện chưa từng có trong lịch sử, điều thần kỳ đến từ 'cục nợ'

Trong kỳ này, hãng hàng không quốc gia cũng ghi nhận thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng. Theo báo cáo của Vietnam Airlines, khoản thu tăng đột biến này do phát sinh thu nhập từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines. Pacific Airlines - công ty con của HVN trả tất cả máy bay đã thuê và thành công trong việc thuyết phục chủ tàu xóa khoản nợ lên đến 220 triệu USD (gần 5.600 tỷ đồng).

Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietnam Airlines hơn 4.528 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi lớn nhất lịch sử của doanh nghiệp này. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.441 tỷ đồng, tăng 11.995% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giải trình từ phía Vietnam Airlines, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh do quý 1/2024 là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không. Tổng công ty tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt trong điều hành hoạt động kinh doanh: Tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lục; cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ, lãi suất... Lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo mẹ và hợp nhất quý 1/2024 đạt trên 12,9% doanh thu.

Công ty cũng đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác (so với giai đoạn trước covid) và mở thêm các đường bay mới.

Tính đến thời điểm 31/3/2024, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 36.742 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu -12.556 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Vietnam Airlines ở mức 24.401 tỷ đồng. Tổng tài sản của Tổng công ty đạt 56.316 tỷ đồng.

Vietnam Airlines thông báo chuyện chưa từng có trong lịch sử, điều thần kỳ đến từ 'cục nợ' - 1

Về biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị kiểm soát, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025 và đã báo cáo cổ đông, cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Trong đề án, năm 2024 - 2025, Tổng công ty sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi, tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Pacific Airlines (tên cũ là Jetstar Pacific Airlines) được thành lập năm 1991, là hãng hàng không cổ phần đầu tiên tại Việt Nam. Pacific Airlines liên tục kinh doanh thua lỗ trong thời gian dài.

Điểm sáng hiếm hoi giai đoạn 2018 - 2019 khi hãng có lãi hơn 30 tỷ đồng/năm. Năm 2020, Pacific Airlines lỗ lũy kế 2.143 tỷ đồng, năm 2021 lỗ hơn 2.308 tỷ đồng và năm 2022 lỗ 2.096 tỷ đồng.

Năm 2020, Qantas thoái vốn tại hãng hàng không này cho Vietnam Airlines, sau nhiều năm Vietnam Airlines hoàn tất nhận lại cổ phần từ Qantas và tăng số cổ phần tại JPA lên 98,85%. Sau thời điểm này, hãng đã tiến hành nhiều biện pháp cơ cấu lại hoạt động.

Theo Pha Lê (Nguoiduatin.vn)