Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đường bay quốc tế chưa thể mở trở lại còn các đường bay nội địa cũng bị hạn chế, doanh thu Vietnam Airlines tiếp tục ở mức thấp khi chỉ đạt 6.537 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu Vietnam Airlines tăng khoảng 9% nhưng nếu tính riêng mảng vận tải hàng không, doanh thu của hãng hàng không quốc gia giảm tới hơn 10%.
Trong khi đó, giá vốn của Vietnam Airlines vượt 10.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Do đó, Vietnam Airlines lỗ gộp gần 3.500 tỷ đồng, tăng 22% so với số lỗ năm trước.
Sau khi chi trả các loại chi phí, Vietnam Airlines báo lỗ 4.471 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh, lỗ trước thuế 4.466 tỷ đồng và lỗ ròng 4.449 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, Vietnam Airlines đạt doanh thu thuần gần 14.000 tỷ đồng và lỗ trước thuế 8.450 tỷ đồng. Doanh thu giảm 44% và số lỗ tăng 64% so với 6 tháng 2020.
Như vậy, số lỗ của Vietnam Airlines đã thấp hơn dự kiến. Trước đó, theo thông tin từ Đại hội cổ đông giữa tháng 7/2021, Vietnam Airlines dự kiến lỗ khoảng 10.788 tỷ đồng 6 tháng đầu năm.
Vietnam Airlines dự báo đối tượng khách quốc tế đi/đến Việt Nam trong thời gian tới chủ yếu vẫn là khách công vụ, chuyên gia, người hồi hương... trong khi đối tượng khách chủ đạo là khách du lịch (vốn chiếm 90% nhu cầu) vẫn chưa thể phục hồi như trước dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trong nước, các chuyến bay hồi hương cũng sẽ giảm mạnh do khó khăn về cơ sở cách ly trong nước. Do hoạt động khai thác hành khách hạn chế, hoạt động khai thác hàng hóa vẫn đóng vai trò quan trọng với Vietnam Airlines.
Theo báo cáo hồi tháng 6 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines lúc bấy giờ đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản trong khi các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu 12.000 tỷ đồng của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng. Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao, và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.
Báo cáo tài chính của Vietnam Airlines cho thấy, đến ngày 30/6/2021, Vietnam Airlines vay nợ 34.462 tỷ đồng, gồm vay ngắn hạn 14.180 tỷ đồng và vay dài hạn 20.282 tỷ đồng. Tổng vay nợ chỉ tăng hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm, nhưng vay ngắn hạn tăng thêm gần 3.000 tỷ, còn vay dài hạn giảm.
Đến tháng 7/2021, Vietnam Airlines đã ký thỏa thuận với 3 ngân hàng để vay gói tái cấp vốn quy mô 4.000 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 6/2021, Vietnam Airlines đã chính thức âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỷ đồng, lỗ lũy kế 17.771 tỷ đồng.