Do COVID-19 hoành hành, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) rơi vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Không khó hiểu khi thu nhập của các lãnh đạo Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm nay cũng giảm đáng kể, chưa bằng một nửa so với cả năm ngoái và thấp hơn rất nhiều so với năm 2019 khi đại dịch COVID-19 chưa làm điêu đứng ngành hàng không.
Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2021 của Vietnam Airlines, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 14.075 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ 2020. Lỗ ròng 6 tháng ước tính khoảng 10.000 tỷ đồng.
Theo đó, quỹ tiền lương và thù lao cho HĐQT và BKS của Vietnam Airlines nửa đầu năm 2021 lần lượt là 2,83 tỷ đồng và 208 triệu đồng, tổng cộng hơn 3 tỷ đồng. Tổng quỹ lương và thù lao thực hiện năm 2020 là gần 2,4 tỷ đồng, tương đương 86% kế hoạch được đại hội cổ đông phê duyệt.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa và Thành viên HĐQT - đồng thời là Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cùng nhận khoảng 269 triệu đồng/6 tháng, tương ứng với khoảng 44,8 triệu đồng/tháng. Hai ông đại diện Nhà nước sở hữu lần lượt 31,34% và 25,31% vốn điều lệ của Vietnam Airlines.
Hai thành viên HĐQT Tạ Mạnh Hùng và Lê Trường Giang mỗi người nhận 233 triệu đồng trong 6 tháng qua, tương đương 38,8 triệu đồng mỗi tháng. Mỗi ông đại diện sở hữu 15,67% vốn của Vietnam Airlines.
Ông Tomoji Ishii, Thành viên HĐQT và đại diện 8,77% vốn của ANA Holdings, nhận thù lao 48 triệu đồng trong nửa đầu năm nay.
Ban Kiểm soát của Vietnam Airlines mới đây có sự thay đổi nhân sự khi ông Lại Hữu Phước Trưởng Ban Kiểm soát ngân hàng Vietcombank) xin từ nhiệm Thành viên BKS vì lý do cá nhân và ông Nguyễn Thanh Tùng (Phó Tổng Giám đốc ngân hàng Vietcombank) được bầu bổ sung tại đại hội cổ đông tổ chức ngày 14/7 vừa qua.
Cả ông Phước và ông Tùng đều đang là lãnh đạo tại Vietcombank (VCB) - tổ chức sở hữu hơn 1% vốn của Vietnam Airlines.
Số chuyến bay khai thác sụt giảm mạnh, đời sống của nhiều cán bộ nhân viên cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa cho biết, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, khoảng 9.700 lao động của Vietnam Airlines không có công ăn việc làm vì sản lượng bay quá thấp. Các phi công và tiếp viên làm việc theo giờ bay thực tế. Số còn lại được huấn luyện đào tạo để khi thị trường phục hồi thì có thể hoạt động ngay.
Khoảng 30% lao động phải tạm ngừng việc trong 6-12 tháng, mỗi người được tổng công ty hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng, được duy trì chế độ phúc lợi như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí tự nguyện, miễn giảm cước vé máy bay,….
Những lao động phải tạm hoãn này được tiếp tục đào tạo. Khi thị trường hồi phục sẽ có đợt kiểm tra về chuyên môn, ngoại ngữ,… để quay lại công việc.
Theo Hải Yến (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)