Đứng đầu trong danh sách các DN niêm yết trên sàn chứng khoán có khoản vay bằng USD lớn là Công ty TNHH MTV - Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN Genco3, UpCOM: PGV). Theo con số nợ vay bằng USD được công bố, PGV đang “gánh” khoản nợ 2.183 triệu USD nên chắc chắn khi tỷ giá tăng sẽ tác động mạnh lên chi phí tài chính của DN này.
Hàng loạt “ông lớn” dính đòn
Hiện báo cáo tài chính quý 2.2018 của PGV chưa được công bố. Tuy nhiên theo kế hoạch cho năm 2018, EVN Genco3 đặt chỉ tiêu sản lượng điện sản xuất là 33,01 tỷ kWh, doanh thu dự kiến giảm về 37.607 tỷ đồng, giảm so với năm 2017 (tổng doanh thu 38.377 tỷ, lợi nhuận trước thuế đạt 469 tỷ đồng) và so với chỉ tiêu đề ra trong Bản cáo bạch là 38.033,1 tỷ đồng. PGV đến nay đã tiếp tục hạ chỉ tiêu doanh thu hơn 400 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 21.3.2018, PGV đã chính thức lên sàn UPCoM với mức giá khởi điểm được đưa ra là 24.600 đồng/CP. Tuy nhiên, sau đó cổ phiếu PGV liên tục giảm, chốt phiên giao dịch ngày 25.7 ở mức giá 12.800 đồng/CP, giảm đến 50% so với giá chào sàn.
Cũng được dự báo sẽ “ngấm đòn” tỷ giá trong quý 3.2018 này là 2 DN hàng không hàng đầu Việt Nam gồm: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, UpCOM: HVN) và Công ty CP Hàng không VietJet (HoSE: VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Nguyên nhân cả 2 DN này “ngấm đòn” vì giá nhiên liệu bị ảnh hưởng mạnh bởi biến động tỷ giá; chưa kể với HVN thì con số nợ vay thời điểm hiện tại khoảng 676 triệu USD và VJC của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là 148 triệu USD.
Một “ông lớn” khác cũng đang e dè khi tỷ giá biến động là Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM). Theo thống kê, hiện DN này có con số nợ khoảng 18,7 triệu USD do DN này nhập khẩu phần lớn sữa bột. Hiện VNM cũng chưa công bố báo cáo tài chính quý 2.2018, tuy nhiên, theo báo cáo trong quý 1.2018, doanh thu của VNM đạt hơn 12.131 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2017 (12.074 tỷ đồng), nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2.683 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ (đạt 2.935 tỷ đồng).
Giá cổ phiếu VNM cũng đang giao dịch ở mức 169.900 đồng/CP, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2018 khi VNM đạt mức giá trên 211.500 đồng (phiên giao dịch 2.1.2018). Tuy nhiên, theo thông báo của DN này, ngày 6.9 tới đây, Vinamilk sẽ chốt danh sách cổ đông chi tạm ứng cổ tức đợt 1.2018 bằng tiền tỷ lệ 20%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 2.000 đồng, thời gian thanh toán vào 26.9.2018. Như vậy Vinamilk sẽ chi khoảng 2.900 tỷ đồng tạm ứng cổ tức lần này cho cổ đông.
Đồng thời, ngày 6.9.2018, VNM sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 5:1, tương ứng cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu được nhận về 1 cổ phiếu mới. Như vậy, Vinamilk sẽ phát hành khoảng 290 triệu cổ phiếu mới thưởng cho cổ đông với giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 2.900 tỷ đồng.
Nhiều DN tên tuổi cũng lao đao
Tỷ giá biến động theo chiều hướng tăng cũng khiến nhiều DN tên tuổi khác trên sàn chứng khoán cũng lao đao, chẳng hạn như: HSG, HPG, DCM, MSN... nguyên nhân không phải bởi khoản nợ vay bằng USD cao mà còn bởi các DN này phải nhập khẩu ròng nguồn nguyên liệu. Khi tỷ giá tăng thì DN sẽ phải đối mặt với đà tăng của nguyên liệu đầu vào và kéo theo sự suy giảm của tỷ suất lợi nhuận khi tỷ giá USD/VND biến động tăng.
Chẳng hạn với “vua tôn” Hoa Sen, ngoài khoản nợ vay bằng USD lên tới 192 triệu, HSG còn phải nhập khẩu phần lớn thép cán nóng (HRC). Thế nên, năm tài chính 2017, với doanh thu 1,3 tỷ USD nhưng tỷ trọng chỉ chiếm khoảng 35 - 40% từ xuất khẩu nên nguồn thu bằng USD sẽ khó khăn với DN này.
Tương tự, “ông lớn” ngành thép khác là HPG, ngoài khoản nợ vay 78 triệu USD thì trong năm 2017 vừa qua, doanh thu của HPG gần 2,1 tỷ USD nhưng tỷ trọng xuất khẩu chỉ 3-5% nên nguồn thu bằng USD sẽ khó với HPG khi hàng năm DN này phải nhập khẩu một số nguyên liệu như quặng sắt, than cốc...
Hàng loạt DN tên tuổi khác trên sàn chứng khoán cũng đang gánh khoản nợ bằng USD lớn, chẳng hạn như: DCM đang nợ 202 triệu USD; PVD nợ 156 triệu USD; MSN nợ 120 triệu USD; NT2 nợ 78 triệu USD...
Theo Quốc Hải (Dân Việt)