Đây là động thái mạnh của “một tay chơi lớn” trong bối cảnh thị trường hàng trong nước cũng như du lịch tăng trưởng bùng nổ, những ông lớn khác cũng bắt đầu tham gia thị trường hoặc đẩy mạnh nắm bắt cơ hội phát triển.
Mới đây, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet Air - đã ký hợp đồng trị giá gần 13 tỷ USD mua 100 chiếc máy bay Boeing 737 MAX, giao hàng trong khoảng thời gian 2022-2025.
Cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không VietJet của bà Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận phiên tăng thứ 6 liên tiếp, từ mức 130.000 đồng/cp lên 140.000 đồng/cp khi chốt phiên giao dịch ngày 19/7.
Trước đó, cùng với xu hướng điều chỉnh chung trên thị trường, cổ phiếu VJC của VietJet đã giảm mạnh từ đỉnh cao gần 190.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) hồi đầu tháng 4 có lúc xuống gần 120.000 đồng/cp. Cú giảm giá mạnh khiến túi tiền của bà Phương Thảo bốc hơi hơn 1 tỷ USD.
Tính theo giá chưa điều chỉnh, kể từ đầu tháng 4 tới cuối tháng 5, cổ phiếu VJC đã giảm từ đỉnh cao 225.000 đồng/cp xuống còn 148.400 đồng/cp trong phiên giao dịch 28/5, tương đương giảm hơn 34%. Cổ phiếu HDB của ngân hàng HDBank (cũng của bà Thảo) giảm từ 52.000 đồng/cp xuống còn 32.800 đồng/cp vào ngày 28/5, tương đương giảm 37%.
Vốn hóa của VietJet giảm từ 4,5 tỷ USD hồi đầu tháng 4 xuống còn 2,9 tỷ USD như cuối tháng 5 và hiện còn khoảng 3,3 tỷ USD.
Hồi tháng 3/2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã trở thành nữ tỷ phú USD đầu tiên tại Việt Nam và độc chiếm “ngôi hậu” Đông Nam Á khi Forbes công bố danh sách tỷ phú USD thế giới 2017. Khối tài sản của bà Thảo liên tục gia tăng sau đó cùng với sự tăng giá của cổ phiếu VJC và cú chào sản của 981 triệu cổ phiếu HDBank trên sàn HOSE hồi đầu năm 2018.
Cú sụt giảm bất ngờ của cả hai cổ phiếu VJC và HDB đã khiến thứ hạng của bà Thảo tụt từ top 700 xuống chỉ còn trong top 1000 trong danh sách người giàu nhất hành tinh. Tính tới 19/7, khối tài sản của bà Thảo theo Forbes là 2,7 tỷ USD, xếp thứ 766 trên thế giới.
Bà Thảo chính là người đã có những quyết định táo bạo và thu xếp được nguồn vốn hàng chục tỷ USD để mua hàng trăm máy bay Airbus và Boeing. Tháng 9/2013, VietJet gây chấn động thế giới với thỏa thuận nguyên tắc đặt hàng mua 92 và thuê 8 máy bay Airbus các loại trong khoảng thời gian tới 2022, với tổng giá trị giao dịch lên tới 9,1 tỷ USD, mỗi năm trung bình nhận 5-10 máy bay mới.
Giữa 2016, Vietjet ký hợp đồng trị giá 11,3 tỷ USD mua 100 máy bay Boeing 737 Max 200 trong giai doạn 2019-2023 nhân chuyến thăm của nguyên tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cùng với VietJet, thì Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang và PVGAS (GAS) là các cổ phiếu lớn nâng đỡ thị trường tăng hồi phục phiên thứ 6 liên tiếp sau đợt tụt giảm từ đỉnh 1.204 điểm (ghi nhận hôm 9/4) xuống dưới 900 điểm vừa qua.
Một số cổ phiếu ngân hàng đã chùng lại sau vài phiên hồi phục liên tiếp. Một số cổ phiếu lớn tiếp tục bị khối ngoại bán ròng.
Một số lượng lớn các cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá nhờ kết quả kinh doanh và tín hiệu kết quả kinh doanh quý 2 tốt. Một doanh nghiệp thậm chí chứng kiến lợi nhuận quý 2 tăng 20 lần so với cùng kỳ.
TTCK trong nước cũng chịu ảnh hưởng tích cực từ đà khởi sắc của chứng khoán thế giới tiếp tục khởi sắc trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2. Chỉ số Dow Jones có phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp.
Kết thúc phiên giao dịch 19/7, VN-index tăng 1,58 điểm lên 943,97 điểm; HNX-Index giảm 1,34 điểm xuống 105,58 điểm. Upcom-Index tăng 0,43 điểm lên 50,59 điểm. Thanh khoản đạt 255 triệu cổ phần. Giá trị đạt hơn 5,2 ngàn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)