Vietjet Air lên sàn:CEO Phương Thảo thành người phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán?

17/02/2017 20:53:00

Nếu mức giá chào sàn cổ phiếu Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) vào ngày 28.2 tới bằng với mức giá tham chiếu 90.000 đồng/CP, thì tổng tài sản của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ hơn 8.817 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nếu mức giá chào sàn cổ phiếu Vietjet Air (mã chứng khoán VJC) vào ngày 28.2 tới bằng với mức giá tham chiếu 90.000 đồng/CP, thì tổng tài sản của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ hơn 8.817 tỷ đồng, xếp thứ 4 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam và xếp vị trí đầu tiên trong danh sách những phụ nữ “quyền lực” nhất thị trường hiện nay...

vietjet air len san:ceo phuong thao thanh nguoi phu nu giau nhat san chung khoan? hinh anh 1

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã chấp thuận cho Vietjet được niêm yết 300 triệu cổ phiếu với mã chứng khoán VJC. Dự kiến, ngày chào sàn chính thức của VJC là 28.2 với mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên dự kiến là 90.000 đồng/CP (biên độ dao động +/-20%, tương đương mức giá Vietjet sẽ dao động từ 72.000-108.000 đồng/CP).

Theo bản cáo bạch mà Vietjet Air công bố, Vietjet có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 664 cổ đông theo danh sách chốt đến ngày 12.1.2017. Trong đó, sở hữu trên 5% vốn điều lệ gồm 3 cổ đông lớn là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (23,24%), CEO Nguyễn Thị Phương Thảo (9,42%) và Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore (5,48%).

Cần lưu ý, cổ đông lớn nhất của Vietjet Air - Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny lại là công ty 100% vốn sở hữu của CEO Nguyễn Thị Phương Thảo với tuổi đời khá non trẻ - Mới chỉ được thành lập ngày 02.11.2016, với vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn... 1 tỷ đồng.

Như vậy, tổng số cổ phần nắm giữ trực tiếp và gián tiếp của bà Phương Thảo tại Vietjet Air là 32,66% (97.975.676 cổ phần).

Nếu Vietjet Air trong phiên chào sàn có mức giá bằng với giá tham chiếu 90.000 đồng/CP thì vốn hóa của Vietjet đạt 27.000 tỷ đồng, tương đương 1,2 tỷ USD. Riêng bà Phạm Thị Phương Thảo sẽ chính thức lọt vào top 4 trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản hơn 8.817 tỷ đồng; xếp sau ông Trịnh Văn Quyết (FLC), ông Phạm Nhật Vượng (VIC) và ông Trần Đình Long (HPG). Tuy nhiên, bà Thảo lại dẫn đầu trong danh sách những phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán.

Tuy nhiên, nếu cổ phiếu Vietjet Air có phiên tăng trần (biên độ +/-20%, tương đương mức 108.000 đồng/CP), thì tổng tài sản của bà Phương Thảo sẽ lên tới hơn 10.581 tỷ đồng, xếp thứ 3 trong bảng xếp hạng chỉ sau ông Trịnh Văn Quyết (FLC) và ông Phạm Nhật Vượng (VIC).

Ngoài ra, nếu tính thêm sở hữu của bà Phương Thảo tại HDBank (sở hữu 4,5% cổ phần Vietjet Air) và Sovico Holdings (sở hữu 4,9% cổ phần Vietjet Air), thì tổng tài sản của CEO hãng hàng không tư nhân này không chỉ dừng lại ở con số hơn 10.581 tỷ đồng.

Giới đầu tư chứng khoán cũng khá bất ngờ trước mức giá tham chiếu 90.000 đồng/CP mà phía Vietjet Air dự kiến đưa ra trong ngày đầu tiên lên sàn HoSE bởi lẽ mức giá chào sàn UPCoM của cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines - Hãng hàng không nổi trội hơn Vietjet Air rất nhiều mặt  cũng chỉ là 28.000 đồng/CP. Đáng nói, sau nhiều phiên chào sàn, thị giá của cổ phiếu HVN tính đến chiều 17.2 mới chỉ là 39.200 đồng/CP, chưa bằng một nửa so mức giá mà Vietjet Air dự kiến chào sàn.

Tuy nhiên, lý giải về mức giá chào sàn 90.000 đồng/CP, phía Vietjet Air và đại diện Công ty tư vấn là Chứng khoán Bản Việt (VCSC), đã tính toán và lựa chọn mức P/E tham khảo là 11,52 lần. Mức P/E này cùng với lợi nhuận sau thuế của Công ty năm 2016 là 2.290 tỷ đồng và thu nhập trên mỗi cố phiếu là 8.726 đồng là cơ sở để Vietjet Air lựa chọn phương pháp định giá thị trường với VJC là 100.524 đồng/CP và lựa chọn giá niêm yết dự kiến là 90.000 đồng/CP.

Ngoài ra, hàng hàng không này cũng cho biết kế hoạch 2017 lãi 3.395 tỷ đồng, cổ tức hàng năm 50% trong đó ít nhất 30% bằng tiền mặt từ nay đến 2019.

Trước đó, Vietjet Air đã có báo cáo kết quả kinh doanh năm 2016. Theo báo cáo này, Vietjet Air đạt doanh thu lên tới 27.532 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2.394 tỷ đồng, hệ số sử dụng ghế đạt 88,9%, vận chuyển trên 14 triệu lượt khách và mang về lãi ròng hàng tháng lên tới gần 200 tỷ đồng.

Hiện hãng hàng không tư nhân này đang khai thác 63 đường bay (37 đường bay nội địa, 26 đường bay quốc tế) cùng đội tàu bay 45 chiếc mới, hiện đại. Trên sàn giao dịch OTC, giá cổ phiếu Vietjet Air hiện đang được chào bán ở mức giá 111.000 đồng - 115.000 đồng/CP.

Theo Quốc Hải (Dân Việt)

Nổi bật