Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, tháng 10/2024, thời tiết thuận lợi hơn nên nguồn cung rau quả của Việt Nam nhìn chung khá dồi dào.
Tính chung 10 tháng năm 2024, sản lượng hầu hết các loại trái cây chủ lực của cả nước đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 nhờ diện tích cho thu hoạch tăng, trong đó, sầu riêng tăng hơn 20%, lên hơn 1,1 triệu tấn; xoài đạt 858 nghìn tấn tăng 3,6%; cam tăng 2,3%, lên 1,15 triệu tấn; riêng thanh long giảm 4,8%, còn 841,7 nghìn tấn.
Trong khi đó, thống kê từ Tổng Cục Hải quan, tính chung trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rau quả đã đạt đạt 6,16 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là lần đầu tiên trong một năm, xuất khẩu rau quả Việt Nam vượt mốc 6 tỷ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chia sẻ, sầu riêng vẫn là động lực chính để xuất khẩu rau quả Việt Nam lần đầu vượt mốc 6 tỷ USD. Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu sầu riêng đã đạt hơn 2,8 tỷ USD.
Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Bộ Công thương cho hay, sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận, trong khi sầu riêng các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ vào vụ nghịch. Sản lượng sầu riêng thu hoạch trên cả nước trong tháng 10 ước đạt 154,2 nghìn tấn.
Ước tính đến hết tháng 10, xuất khẩu sầu riêng đã đạt trên 3 tỷ USD. Dự kiến trong cả năm nay, sầu riêng có thể mang về 3,5 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu.
Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới. Hàng năm, quốc gia này nhập khẩu trên 17 tỷ USD, chiếm hơn 15% sản lượng nông sản trái cây xuất khẩu của toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam có lợi thế nguồn cung dồi dào, đa dạng các loại rau quả, đồng thời cũng có vị trí thuận lợi trong quá trình giao thương với Trung Quốc.
Việc tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc đã giúp cho xuất khẩu rau quả Việt Nam có lần đầu tiên vượt mốc 6 tỷ USD. Tính chung trong 10 tháng qua, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đã đạt 4,098 tỷ USD.
Với ngành rau quả, đây cũng là một con số rất ấn tượng, đánh dấu lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vượt mốc 4 tỷ USD. Con số này đã vượt xa kỷ lục xuất khẩu đạt được trong cả năm 2023 là 3,6 tỷ USD riêng tại thị trường Trung Quốc.
Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch các loại trái cây đặc sản như: Sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, khoai lang, cây xạ đen.
Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu raqu quả của Việt Nam đạt khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả xuất khẩu.
Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sang thị trường tỷ dân này tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng từ các thị trường thế giới vào dịp cuối năm, nhất là Trung Quốc, cộng với hiệu quả từ các Hiệp định thương mại và các Nghị định thư.
Doanh nghiệp muốn đưa hàng hóa vào Trung Quốc, theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cần nắm bắt thời vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu và thực hiện truy xuất nguồn gốc… Chú ý khai thác các tỉnh, khu vực địa phương phía Bắc Trung Quốc như: Sơn Đông, Bắc Kinh, Thượng Hải…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nên chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, tránh trường hợp mất thương hiệu ở thị trường Trung Quốc. Đồng thời, chuyển nhanh sang hình thức thương mại điện tử chính quy, hướng tới sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao, bền vững.
Song song với việc xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023, lên 1,6 tỷ USD.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường cung cấp hàng rau quả lớn nhất cho Việt Nam với kim ngạch đạt 102,5 triệu USD trong tháng 9/2024, tăng 2,3% so tháng 8/2024 và tăng 17,8% so tháng 9/2023.
Lũy kế 9 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 696,5 triệu USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 43,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả.
Theo Pha Lê (Nhịp Sống Thị Trường)