Là nhà xuất khẩu Top 2 thế giới nhưng Việt Nam vẫn chi đậm tiền để mua mặt hàng này

24/10/2024 08:10:42

Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 527 triệu USD để nhập khẩu mặt hàng này.

Việt Nam chi gần 527 triệu USD nhập khẩu cà phê

Theo số liệu mới nhất từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ 2023 - 2024 (từ tháng 10/2023 - 9/2024), Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 1,46 triệu tấn cà phê với giá trị 5,43 tỷ USD. Đây là kim ngạch xuất khẩu trong một niên vụ cà phê cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD.

Còn nếu tính chung 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn cà phê, giá trị đạt 4,37 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam vượt mốc 4 tỷ USD chỉ sau 3 quý. Bình quân trong 9 tháng năm 2024, giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 3.896 USD/tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đặc biệt, trong số các mặt hàng cà phê xuất khẩu, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta số 1 thế giới. Tuy nhiên, nếu xét về tất cả các loại cà phê thì Việt Nam đứng thứ 2 thế giới sau Brazil.

Là nhà xuất khẩu Top 2 thế giới nhưng Việt Nam vẫn chi đậm tiền để mua mặt hàng này

Điều đáng nói là, mặc dù có sản lượng xuất khẩu cực lớn nhưng trong 9 tháng năm 2024, Việt Nam cũng chi không ít tiền để nhập khẩu mặt hàng này.

VICOFA cho biết, tính đến hết tháng 9, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 139.000 tấn cà phê với kim ngạch gần 527 triệu USD, tăng khoảng 36% về khối lượng và tăng gần 76% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 9, các doanh nghiệp đã nhập 14.400 tấn cà phê, giá trị gần 65 triệu USD, tăng 54% về khối lượng và tăng 132% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việt Nam nhập khẩu cả cà phê nhân (nguyên liệu) và thành phẩm. Giá thành của các loại cũng không giống nhau. Cà phê nhân nhập khẩu giá bình quân 4.194 USD/tấn, cà phê chế biến (rang xay và hòa tan) nhập khẩu 1.265 tấn với đơn giá bình quân 7.580 USD/tấn.

Số liệu từ VICOFA, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu cà phê nguyên liệu từ Lào. Những nguồn cung cấp khác bao gồm Indonesia, Brazil, Colombia và Ethiopia.

Tại sao VN xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới lại phải nhập khẩu?

Lý giải về việc là quốc gia xuất khẩu thuộc top hàng đầu thế giới nhưng vãn phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu cà phê, VICOFA cho hay, do nguồn cung cà phê thiếu hụt nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam phải nhập khẩu cà phê từ các nước lân cận để phục vụ cho nhu cầu nội địa cũng như chế biến xuất khẩu, đáp ứng các đơn hàng đã ký. Các doanh nghiệp chủ yếu nhập cà phê nguyên liệu giá rẻ để sản xuất cà phê hòa tan, một lượng ít nhập khẩu cà phê chế biến phục vụ tiêu dùng.

Trước đó, trong một lần trả lời báo chí, đại diện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng giải thích rằng, đối với những nông sản Việt Nam nằm trong top dẫn đầu xuất khẩu như điều, cà phê và gạo, việc nhập khẩu nhiên liệu thô để chế biến sản phẩm xuất khẩu cũng là điều bình thường.

Phía Bộ cũng cho biết thêm, đây là một xu hướng không thể tránh khỏi trong thương mại toàn cầu, đặc biệt khi Việt Nam có thể mạnh về thị trường đầu ra, hệ thống logistic tốt hơn các nước khu vực nên doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn cung để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. 

Do đó, chuyện doanh nghiệp nhập khẩu nông sản từ các thị trường, đặc biệt là thị trường lân cận là một xu hướng bình thường trong thương mại.

Là nhà xuất khẩu Top 2 thế giới nhưng Việt Nam vẫn chi đậm tiền để mua mặt hàng này - 1

Chia sẻ từ VICOFA, nguồn cung cà phê trong niên vụ 2023 - 2024 giảm làm giá cà phê tăng cao và ảnh hưởng tới lượng cà phê tồn kho chuyển sang đầu niên vụ 2024 - 2025. Lượng cà phê tồn kho để chuyển sang vụ mới 2024 - 2025 gần như không có. Do đó, giá cà phê đầu niên vụ 2024 - 2025 vẫn đang tiếp tục đứng ở mức cao.

VTV dẫn lời ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, tình trạng nguồn cung trong nước bị thiếu hụt có thể gia tăng do tồn kho trong nước đang cạn dần, trong khi còn đến 6 tháng nữa mới vào thu hoạch vụ mới.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, giải pháp ngắn hạn là tiếp tục nhập khẩu cà phê thô từ các nước láng giềng. Điều này sẽ giúp bổ sung nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến và đảm bảo đủ lượng cà phê xuất khẩu.

Theo Pha Lê (Nhịp Sống Thị Trường)

Nổi bật