Như thường lệ, cứ mỗi "ngày lẻ" trong tuần, tức thứ ba, thứ năm và thứ bảy, anh P.Thuấn (36 tuổi, Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại cùng nhóm bạn thân tổ chức buổi "nhậu chiều" ở một quán bia hơi trên phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
"Gặp nhau uống chục cốc bia hơi, trò chuyện về công việc, về gia đình, đôi khi là xem bóng đá. Trông đơn giản thế thôi mà vui ra trò, tuần nào không gặp lại thấy nhớ", anh Thuấn cười.
Quốc gia say xỉn
"Bọn mình uống thế này đã được gần 10 năm, cũng gọi là truyền thống của nhóm. Lúc đầu mới gặp nhau thì 3, 4 cốc, giờ sau chục năm tửu lượng đứa nào cũng lên, 10 cốc mới về là chuyện thường", người đàn ông làm nghề bán hàng qua mạng chia sẻ.
Anh Thuấn tự đánh giá, "tửu lượng" của nhóm anh thuộc dạng khá ở quán quen nhưng chưa phải đứng đầu. "Có mấy nhóm khi mình tới đã thấy mặt đỏ hồng hào mà tới lúc mình về vẫn còn thấy nâng cốc", anh P.Thuấn kể lại.
Dân gian có câu "Nam vô tửu như kỳ vô phong", đàn ông không uống rượu thì như cờ không có gió. Một báo cáo gần đây của The Lancet đã chỉ ra hai điểm tưởng như mâu thuẫn, đó là tỷ lệ nam giới sử dụng đồ uống có cồn ở Việt Nam chỉ ở mức 40-59,9%, mức trung bình của thế giới nhưng đàn ông Việt lại nằm trong nhóm nước tiêu thụ đồ uống có cồn nhiều nhất thế giới và đứng đầu khu vực châu Á.
Điều này đồng nghĩa số lượng người uống rượu bia tại Việt Nam không cao so với thế giới, nhưng những người sử dụng rượu bia lại đang uống quá nhiều.
Nếu có mặt tại một quán bia hơi thuộc khu vực nội thành Hà Nội vào giờ tan tầm, không khó để nhận thấy những "nhóm nhậu" như nhóm anh P.Thuấn là rất phổ biến và lượng bia mà họ tiêu thụ nhiều đến mức nào.
Nghiên cứu của The Lancet cho thấy đàn ông Việt Nam có mức tiêu thụ đồ uống có cồn trung bình của mỗi nam giới lên tới 5 đơn vị cồn (khoảng 4 ly bia) một ngày, mức cao nhất trong thang đánh giá của nghiên cứu.
Chuyện đàn ông Việt đứng đầu về tiêu thụ rượu bia trong các thống kê, báo cáo không còn là chuyện mới. Báo cáo, thống kê từ WHO, World Bank, Euromonitor, Canadean, Wasted Worldwide, Vinepair ... đều có chung một đáp số khi Việt Nam luôn có chỗ trong nhóm đầu thế giới về tiêu thụ đồ uống có cồn.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2015, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Việt Nam là quốc gia xếp thứ 15 trên thế giới về dân số nhưng theo thống kê của Sabeco thì hiện đã lọt nhóm 10 thị trường bia lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng khẳng định, năm 2017, chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD. Nếu tính về lượng tiêu thụ, con số này là khoảng 43 lít bia/người/năm.
Cân bằng được và mất
Bia là đồ uống có cồn được yêu thích tại Việt Nam, chiếm hơn 90% lượng đồ uống có cồn được tiêu thụ. Người nước ngoài có thể thấy lạ lùng về cách người Việt uống bia với đá hay về những quán bia hơi bàn nhựa tràn ra hết vỉa hè, tuy nhiên đều có thể cảm nhận tình yêu bia của nam giới Việt Nam.
"Uống 10 cốc nhưng chúng tôi vẫn tỉnh táo, làm chủ được bản thân, không phạm pháp thì đâu phải là nhiều?", anh P.Thuấn nói.
Đồng tình với anh là ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia Rượu Nước giải khát Việt Nam. “Tính đến năm 2017 tiêu thụ ngành bia Việt Nam đạt 4 tỷ lít bia, nghe thì nhiều nhưng nếu chia theo tiêu thụ đầu người 40 lít/người, điều này chưa là gì cả”, ông Việt chia sẻ.
"Chúng tôi uống để giải trí sau giờ làm, để kết giao bạn bè, tiêu thụ bia cũng là đang đóng thuế, tạo công ăn việc làm cho quán bia, cho nhà máy bia. Vợ tôi cũng đồng tình với việc tôi nhậu, tôi không thấy bia có tác hại gì tới cuộc sống của tôi hay của mọi người", anh Thuấn lập luận khi được hỏi về ảnh hưởng của bia tới cuộc sống, công việc.
Có thể với riêng anh Thuấn và nhóm bạn, tác động tiêu cực của đồ uống có cồn chưa lộ rõ nhưng khi nhìn rộng hơn, đồ uống có cồn đang khiến Việt Nam mất nhiều hơn được.
Theo thống kê của WHO, phí tổn kinh tế do rượu, bia lấy đi 1,3 đến 3,3% GDP của mỗi quốc gia. Trong đó, chi phí gián tiếp thường nhiều hơn gấp 2 lần so với chi phí trực tiếp.
Trung bình, nam giới Việt Nam uống 4 cốc bia một ngày. Ảnh: Lê Hiếu.
Bộ trưởng Y tế đưa ra tính toán Việt Nam thiệt hại ít nhất khoảng 65.000 tỷ đồng mỗi năm vì các tác động của rượu bia.
Trong đó ước tính tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu, bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,25% tổng GDP năm 2017.
Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia cũng chiếm tới 1% GDP, tức khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017.
Cũng theo WHO uớc tính, việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016.
Việc cân bằng giữa tổn thất trên với khoảng 50.000 tỷ đồng/năm mà thuế từ các sản phẩm đồ uống có cồn đang đóng góp cho ngân sách cùng 220.000 việc làm trong ngành rượu bia đang là bài toán nan giải của Việt Nam.
Theo Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)