Người Việt uống 4 tỉ lít bia/năm, lợi nhuận nước ngoài hưởng?

15/06/2018 09:41:00

Sau bia Sài Gòn, trong năm nay Bộ Công thương sẽ thoái vốn phần lớn tại Tổng CTCP bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco). Thị trường bia nội trở thành cuộc đua của các ông lớn ngoại.

Người Việt uống 4 tỉ lít bia/năm, lợi nhuận nước ngoài hưởng?
Các thương hiệu bia lớn của VN dần rơi vào tay nước ngoài

Rơi vào tay nước ngoài

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh mới khẳng định với Thanh Niên về việc Bộ đang tích cực chỉ đạo thoái vốn tại Habeco và vẫn có thể thực hiện được trong năm nay. Dù chưa công bố chính thức phần vốn nhà nước bán ra tại Habeco nhưng nhiều khả năng, tỷ lệ nắm giữ của Bộ Công thương từ 81,79% hiện nay sẽ giảm mạnh chỉ còn tương đương như tỷ lệ vốn đang giữ tại Tổng CTCP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là khoảng 36%.

Habeco hiện có cổ đông ngoại là Công ty bia Carlsberg của Đan Mạch nắm giữ tỷ lệ 17,34%. Theo thỏa thuận trước đó, khi nhà nước thoái vốn sẽ ưu tiên cho nhà đầu tư này. Đại diện Carlsberg VN cũng nhiều lần bày tỏ công khai ý định muốn tăng vốn đầu tư vào Habeco, thậm chí lên trên mức chi phối hơn 51%. Nếu việc này hoàn tất, quyền kiểm soát hai ông lớn trong ngành bia VN là Sabeco lẫn Habeco đều do các tập đoàn nước ngoài nắm giữ.

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International cho thấy cuối năm 2016, Sabeco cùng với Habeco và Heineken VN là 3 đơn vị đang nắm thị phần chi phối trên thị trường bia VN. Sabeco có thế mạnh ở phân khúc bia tầm trung với thị phần nhiều nhất 41%; Heineken chiếm ưu thế ở phân khúc bia cao cấp với 23% và sau đó là Habeco có được 18,4% thị phần. Carlsberg cũng chiếm được 7,6% nhờ chi phối phần lớn thị phần bia khu vực miền Trung sau khi mua lại hoàn toàn Công ty bia Huế từ năm 2011 khi nhà nước thoái vốn.

Tính cả năm 2017, số liệu từ Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát VN (VBA) cho thấy lượng tiêu thụ của cả nước đã đạt hơn 4 tỉ lít, bình quân mỗi người Việt uống gần 45 lít bia. Xét về số lượng thì VN nằm trong top 10 nước tiêu thụ bia lớn nhất thế giới và top 3 quốc gia tiêu thụ bia nhiều nhất ở châu Á. Chi phí cho tiêu thụ bia của VN là khoảng 3,4 tỉ USD/năm và gần như 90% số tiền này đang chảy vào túi các đại gia ngoại. Đặc biệt, lượng tiêu thụ bia trung bình của nước ta được dự đoán sẽ tăng 65% từ năm 2011 đến năm 2021 và đây vẫn được xem là "mỏ vàng" để khai thác.

Nhiều thương hiệu nội sẽ bị thâu tóm

Theo TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, thị trường bia thời gian tới sẽ càng cạnh tranh khốc liệt hơn. Các doanh nghiệp (DN) bia nội địa không chỉ gặp khó với thương hiệu lớn sản xuất tại chỗ, mà ngay cả hàng sản xuất ở Thái, Lào cũng tràn vào thị trường ngày càng nhiều khi hàng rào thuế quan dần bị gỡ bỏ.

Tuy nhiên, ông Việt khẳng định các DN nhỏ trong nước vẫn còn cơ hội nếu có sự quyết tâm. Ông dẫn chứng câu chuyện nhiều tập đoàn nước ngoài đã phải rút lui khỏi VN sau một thời gian đầu tư như Foster, BGI... Hay San Miguel, Sapporo, SABmiller… dù còn hoạt động nhưng cũng chưa mấy thành công. “Tiềm năng tăng trưởng của ngành bia vẫn còn tiếp tục khá lớn và đó là lý do cho nhiều tập đoàn ngoại nhảy vào. Nhưng DN lớn cũng có cái khó kiểu lớn và không phải mọi thương hiệu ngoại đều thành công khi bước chân vào VN. Bản thân các DN tư nhân có sự linh hoạt, thay đổi dễ dàng nên biết khai thác tốt, nghiên cứu ra sản phẩm phù hợp thị hiếu người dùng cũng sẽ tồn tại được”, TS Việt nhấn mạnh.

Sau thương vụ thoái vốn phần lớn ở Sabeco, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra tiếc nuối khi người Thái đã sở hữu được “con gà đẻ trứng vàng” này và lo ngại những thương hiệu lớn của VN dần dần bị mất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, nhận xét đứng trên góc độ chung, các DN như Habeco mấy năm qua không hiệu quả khiến lợi nhuận ngày càng kém. Vì vậy, việc thoái vốn phải được thực hiện càng nhanh càng tốt. Dù nhà nước buộc nhà đầu tư ngoại cam kết giữ lại thương hiệu trong nước như Sabeco nhưng bản chất là lợi nhuận làm ra phần lớn sẽ chảy vào túi họ. Chỉ tiếc là các DN trong nước không đủ sức để tham gia mua lại phần vốn nhà nước để tiếp tục xây dựng và phát triển các thương hiệu lâu đời. Bởi thực tế khi nhà nước bán “một cục” vốn thì sẽ khó có DN trong nước nào có ngay vài tỉ USD để tham gia như trường hợp nhà đầu tư Thái đã bỏ ra khoảng 5 tỉ USD để mua quyền sở hữu Sabeco.

Theo Mai Phương (Thanh Niên Online)