Việt Nam, tình thế có tiền mà khó tiêu và yếu tố mới xuất hiện

16/04/2019 09:36:39

Lượng vốn lớn vẫn ứ đọng mà không lan tỏa trực tiếp ra nền kinh tế. Và đã có yếu tố mới xuất hiện.

Việt Nam, tình thế có tiền mà khó tiêu và yếu tố mới xuất hiện
Báo cáo tài chính một số ngân hàng thương mại đã xuất hiện những khoản tiền gửi có kỳ hạn 50.000 - 56.000 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước.

Ứ vốn, vẫn vay thêm

Cập nhật gần nhất, ngày 10/4, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tổ chức gọi thầu, huy động vốn với 3.000 tỷ đồng trái phiếu. Tỷ lệ trúng thầu đạt 60% và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Sau quý 1/2019, với tổng lượng huy động hơn 69.000 tỷ đồng qua trái phiếu Chính phủ, cùng với nhịp độ tiếp tục tổ chức đấu thầu gọi vốn đang thể hiện, tiến độ huy động theo kế hoạch khoảng 260.000 tỷ đồng năm nay đang thuận lợi.

Bên cạnh khối lượng, thuận lợi còn ở chỗ, lãi suất trái phiếu Chính phủ có xu hướng giảm mạnh so với những năm trước, tạo vùng rất thấp các kỳ hạn; chi phí vay vốn theo đó giảm thiểu.

Cụ thể, đến cuối quý 1/2019, lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm chỉ 3,7%/năm, 10 năm nằm trong khoảng 4,70-4,72%/năm, 15 năm trong khoảng 5,02-5,06%/năm, 20 năm trong khoảng 5,20-5,56%/năm, 30 năm là 5,80%/năm.

Nhớ lại khoảng bốn năm trước, khi áp lực huy động trái phiếu kỳ hạn dài đặt ra tại diễn đàn Quốc hội, cũng như hướng tới ngừng loại kỳ hạn 3 năm, lãi suất kỳ hạn 5 năm khi đó còn lên tới 6,4 - 6,5%/năm. Nay, lãi suất một trong những kỳ hạn chủ yếu này chỉ còn phân nửa.

Lãi suất thấp có phải là một trong những yếu tố chi phí thuận lợi để Chính phủ đẩy mạnh đi vay qua trái phiếu những tháng đầu năm nay? Đây là một trong những yếu tố, bên cạnh một lượng lớn trái phiếu Chính phủ đáo hạn đầu năm nay và hoạt động đấu thầu có sự cân đối, cũng như dự phòng nguồn cho tương lai.

Điểm được chú ý: trong bối cảnh giải ngân đầu tư công vẫn chậm, lượng vốn lớn của ngân sách vẫn ứ đọng trong hệ thống ngân hàng, thế kẹt có tiền mà khó tiêu vẫn thể hiện mà nguồn huy động (vay) vẫn tiếp tục được thúc đẩy như trên.

Cụ thể, như trên, tổng lượng vốn Kho bạc Nhà nước huy động thêm trong quý 1/2019 vừa qua hơn 69.000 tỷ đồng, trong khi theo Tổng cục Thống kê, lượng vốn vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện ước tính chỉ đạt 50.800 tỷ đồng, chỉ bằng 14,7% kế hoạch năm.

Đáng chú ý, tính đến cuối năm 2018, trên báo cáo tài chính chỉ riêng ba ngân hàng thương mại lớn là Vietcombank, BIDV và VietinBank, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã lên tới hơn 216.000 tỷ đồng (chưa kể vài năm gần đây lượng tiền gửi này có phần san sang một số ngân hàng thương mại cổ phần).

Hiện tượng cực chẳng đã?

Tình thế trên không mới. Giải ngân đầu tư công chậm là vấn đề thường trực những năm gần đây. Đặc biệt từ năm 2017, Chính phủ liên tục đặt ra yêu cầu đẩy nhanh tốc độ giải ngân, thậm chí có thời điểm đặt ra yêu cầu kiểm điểm các trách nhiệm liên quan.

Đến nay, như trên, tốc độ vẫn chưa thực sự cải thiện.

Theo đó, Việt Nam vẫn nằm trong một thế kẹt: có tiền và có biểu hiện ứ đọng, nhưng lại không đẩy mạnh được chi tiêu, tạo sự lan tỏa nguồn lực trực tiếp trong nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng, thay vào đó vẫn dựa vào trung gian tín dụng có chi phí lãi suất cho vay cao hơn.

Ngược lại, vốn ứ đọng và liên tục huy động thêm, chi phí trả lãi cũng là một vấn đề được tính đến, dù đây đang là giai đoạn có được “vùng lãi suất mềm” như đề cập ở trên.

Thêm nữa, nguồn vốn lớn của Kho bạc Nhà nước dồn gửi vào hệ thống ngân hàng cũng dẫn tới những khó khăn trong mối quan hệ, phối hợp giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, thậm chí có những thời điểm xung đột trước đây.

Từ trong năm 2017 rồi 2018, khó khăn đó đã thể hiện rõ khi Ngân hàng Nhà nước phải liên tục, thậm chí dồn dập phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về, các kỳ hạn tín phiếu cũng phải doãng dài ra để “giam vốn” - điều ít thấy ở giai đoạn trước. Hoạt động này trải dài cả năm, mà chi phí hút vốn (phải trả lãi suất tín phiếu) cũng là điểm được chú ý về ngân sách.

Đầu năm 2019, ngay sau kỳ nghỉ Tết, thị trường cũng lập tức ghi nhận Ngân hàng Nhà nước trở lại tiếp tục phát hành tín phiếu để hút bớt tiền về. Và hoạt động này vẫn đang thể hiện, có triển vọng kéo dài.

Bên cạnh tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, tiền gửi ngân sách dồn ở ngân hàng thương mại, thì việc Ngân hàng Nhà nước mua lượng lớn ngoại tệ ba tháng đầu năm nay cũng là một áp lực để phải ráo riết cân đối nói trên.

Chưa hết, thế kẹt có tiền mà khó tiêu này còn gián tiếp ảnh hưởng đến các cân đối lãi suất và tỷ giá trong điều hành, với những tác động đan xen.

Lượng tiền gửi lớn của Kho bạc Nhà nước có tính cục bộ tại một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn, góp phần bình ổn lãi suất. Nhưng khi lượng dồn nhiều, hệ thống ngân hàng có trạng thái dư thừa, lãi suất VND giảm sâu trên liên ngân hàng dễ gây tác động bất lợi tới ổn định tỷ giá USD/VND, khi điểm hoán đối lãi suất VND với USD bị thu hẹp, thậm chí có những thời điểm âm trong năm qua…

Những vấn đề trên chỉ thực sự được tháo gỡ khi tốc độ giải ngân đầu tư công được cải thiện.

Còn ở giải pháp tình thế, một diễn biến mới đã xuất hiện: trên báo cáo tài chính của một số ngân hàng thương mại nhà nước chốt năm 2018, lần đầu tiên sau nhiều năm đã xuất hiện số dư rất lớn ở khoản mục “Tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước” (như tại BIDV có tới 51.000 tỷ đồng, Vietcombank có tới 56.000 tỷ đồng).

Tiền gửi có kỳ hạn có lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi thanh toán thông thường. Theo đó, yếu tố mới nói trên góp phần pha loãng, cân đối lại chi phí đi vay của Chính phủ.

Nhưng, đang phải đi huy động lượng lớn về, rồi một phần lớn lại gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng có thể xem là giải pháp cân đối cực chẳng đã.

Theo Lam Giang (Bizlive.vn)

Nổi bật