“Cuộc chiến” ghế HÐQT
Cách đây hơn 2 tuần, cuộc nội chiến giữa các nhóm cổ đông của Ngân hàng Eximbank thu hút sự chú ý của dư luận. Câu chuyện râm ran khi nguyên Chủ tịch thành viên HĐQT độc lập là ông Lê Quốc đâm đơn “tố” một số thành viên HĐQT đã làm sai luật và loại nguyên chủ tịch này ra khỏi cuộc chơi. Bà Lương Cẩm Tú, thành viên HĐQT ngân hàng này được bầu vào vị trí chủ tịch HĐQT trước thời điểm diễn ra ĐHCĐ ngân hàng chưa đầy 1 tháng.
Ngay sau khi một số báo đưa tin, Eximbank lập tức lên tiếng cho hay, các thành viên HĐQT đã thực hiện đúng quy trình lớp lang về việc ra nghị quyết. Việc bầu chủ tịch mới, theo Eximbank hoàn toàn đúng luật. Tuy nhiên, vài ngày sau, bất ngờ TAND TPCHM tuyên bố đã nhận đơn của ông Quốc và sau khi xem xét thấy đủ bằng chứng nên ra phán quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “bác” nghị quyết này. Lập tức, những thành viên HĐQT Eximbank có tên trong đơn của ông Quốc và “trát” của tòa đã làm đơn khiếu nại gửi đến cả lãnh đạo Chính phủ, Viện KSND tối cao và các cơ quan chức năng để kêu cứu.
Câu chuyện đến giờ chưa “hạ hồi phân giải” nhưng theo tìm hiểu PV Tiền Phong được biết, hiện Thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã lập đoàn kiểm tra vào làm việc với các thành viên Eximbank, đồng thời mời cả đại diện bên cơ quan công an cùng vào giám sát. Một lãnh đạo NHNN khẳng định: Căn cứ đúng quy định pháp luật mà thực hiện. Mọi việc chờ thêm phán quyết lần nữa từ TAND TPHCM, vì bên đâm đơn đã đưa ra tòa và tòa đã nhanh chóng thụ lý vụ này. NHNN sẽ có ý kiến và quan điểm một cách rõ ràng.
Dù phải chờ TAND TPHCM kết luận “sai đúng thuộc về ai” nhưng khả năng rất lớn là Eximbank có thể phải lui thời gian ĐHCĐ vốn đã lên lịch trước. Đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra tranh chấp giữa các nhóm cổ đông của Eximbank mà vài năm trước đó, NHNN từng dẹp loạn “12 sứ quân” ngay tại Eximbank. Cho đến giờ, phía sau chuyện “lùm xùm” nhân sự ghế nóng của Exinbank vẫn luẩn quẩn, nhóm nào, ai là người cầm trịch?
Ngân hàng thương mại Á Châu (ACB) năm nay bỗng “dậy” lên đồn đoán có thể có “sóng ngầm” “Một nguồn tin cho biết, tại ĐHCĐ ngân hàng ACB dự kiến tổ chức tại TPHCM 23/4, một cổ đông vốn rất có quyền lực đã ủy quyền phía sau để phần vốn của mình dồn cho người đại diện đứng tên có thể muốn “thay máu” chính người đại diện này. Dù đến nay thông tin đều chỉ là tin “vỉa hè” nhưng do lượng cổ phần của cổ đông này đang nắm giữ không hề nhỏ nên khá nhiều cổ đông nhỏ tỏ ra lo lắng bởi nếu có sự thay đổi, tất yếu NH sẽ ít nhiều xáo trộn.
Một ngân hàng đã công khai lấy ý kiến cổ đông về việc đưa thêm thành viên mới vào HĐQT, đó là Techcombank. Theo đó, danh sách ứng cử viên được trình ĐHCĐ xem xét bầu vào HĐQT lần này có thêm ông Saurabh Narayan Agarwal hiện là Giám đốc Quỹ Warburg Pincus New York, Mỹ và Singapore. Được biết, tháng 3/2018, Warburg Pincus đầu tư hơn 370 triệu USD (tương đương 8.400 tỷ đồng) vào Techcombank. Với nội bộ cổ đông ổn định và đoàn kết, dự kiến việc thêm thành viên HĐQT mới của Techcombank sẽ điễn ra suôn sẻ.
Khát tăng vốn
Năm 2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải áp dụng chuẩn quốc tế Basel II. Nhu cầu tăng vốn đạt chuẩn hiện trở nên bức thiết với các ngân hàng. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) ĐHCĐ lần này dự kiến phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 và tăng vốn điều lệ của VietinBank là vấn đề được thị trường quan tâm hơn cả.
Được biết, gần 5 năm trở lại đây, vốn điều lệ của VietinBank đã không tăng trong khi tổng tài sản tính đến ngày 30/9 đã gấp hơn 2 lần so với thời điểm cuối 2013. Mặt khác, VietinBank là một trong 10 ngân hàng thí điểm áp dụng các tiêu chuẩn Basel II từ đầu năm 2019 và một trong những vấn đề cấp thiết đầu tiên của hiệp ước này là hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR). Để tăng CAR đòi hỏi ngân hàng phải tăng vốn và giảm tỉ lệ tài sản rủi ro.
Trong ĐHCĐ bất thường tháng 12/2018, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ cho biết, hiện nay các nguồn lực để VietinBank tăng vốn tự có, vốn điều lệ đều đã được khai thác ở mức tới hạn.
Theo tài liệu ĐHCĐ thường niên năm 2019, Techcombank (HoSE: TCB) trình ĐHCĐ phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP không hạn chế chuyển nhượng. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2018, Techcombank khẳng định sẽ không trả cổ tức cho cổ đông dù phần lợi nhuận còn lại có thể phân phối đạt gần 10.300 tỷ đồng. Cùng lúc, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2019 khoảng 7.279 tỷ đồng. ACB dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 3.741 tỷ đồng lên mức 16.627 tỷ đồng. Với kế hoạch tổ chức ĐHCĐ vào 23/4 này, HDBank cho biết năm 2018, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng.
Không riêng gì Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank hay ACB mà nhiều nhà băng khác cũng đang có kế hoạch được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn trong năm nay. MB ngay từ đầu năm đã dùng hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại hơn 43 triệu cổ phiếu quỹ.
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)