Để đạt được điều kiện cần và đủ cho việc khai thác hàng không nội địa Việt Nam, Tập đoàn AirAsia đã chọn “bắt tay” với TMG đang sở hữu Hãng hàng không Hải Âu hoạt động trong lĩnh vực bay thủy phi cơ.
AirAsia đặt ra tham vọng khi "bắt tay" với Hãng hàng không Hải Âu của Việt Nam là khai thác hàng không giá rẻ ở thị trường nội địa |
Việc hợp tác liên doanh của AirAsia và TMG được thực hiện thông qua các công ty con là AirAsia Investment (AAIL) và Công ty TNHH Gumin. Mới đây, AirAsia đã ký thỏa thuận cổ đông và hợp đồng mua bán 30% cổ phần với Gumin để lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam trên cơ sở ban đầu là Hãng hàng không Hải Âu của TMG. Đối tác Việt Nam có trách nhiệm giúp liên doanh có được phê chuẩn của Chính phủ để đi vào hoạt động từ năm 2018.
Trao đổi với PV Dân trí về sự liên doanh hợp tác của 2 đơn vị nói trên nhằm thành lập hãng hàng không giá rẻ ở Việt Nam, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết chưa nhận được hồ sơ đăng ký thành lập hãng hàng không mới, phía Hải Âu cũng chưa có kiến nghị nào gửi Cục việc thay đổi giấy phép hoạt động hàng không.
Về phía hàng không Hải Âu, hãng này thừa nhận có sự hợp tác với AirAsia nhưng hé lộ thông tin về việc sẽ không có một hãng hàng không mới, trên cơ sở hợp tác sẽ bổ sung ngành nghề kinh doanh và tăng vốn điều lệ cho hàng không Hải Âu.
Theo giới phân tích, giá trị của thương vụ này không chỉ nằm ở vốn góp mà còn ở việc sử dụng thương hiệu mạnh AirAsia cho các chuyến bay mà liên doanh hàng không sẽ thực hiện. Tuy nhiên, các chuyến bay nhượng quyền khai thác phải sử dụng thương hiệu kép của cả 2 bên hoặc một thương hiệu mới cho dễ phân biệt, không được sử dụng nguyên thương hiệu và logo của AirAsia.
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Tập đoàn hàng không giá rẻ của Malaysia nhắm tới thị trường nội địa Việt Nam. Năm 2005, AirAsia đăng ký mua cổ phần của Hãng Hàng không Pacific Airlines khi hãng này vừa tách ra khỏi Vietnam Airlines. Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, Tập đoàn Hàng không Qantas của Úc đã mua được 30% vốn của Pacific Airlines nên AirAsia bị “tuột tay”.
Năm 2007, AirAsia ký thỏa thuận hợp tác với Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam với tham vọng thành lập hãng hàng không giá rẻ, tuy nhiên thời điểm đó chủ trương của Việt Nam là hạn chế thành lập hãng hàng không mới và không cấp phép lập hãng hàng không có yếu tố nước ngoài.
Đến năm 2010, AirAsia tìm được cơ hội hợp tác với Vietjet, nhưng chưa bay được chuyến nào vì thị trường chưa thuận lợi và điều kiện bắt buộc là phải có một thương hiệu khác thay thế AirAsia.
Theo Châu Như Quỳnh (Dân Trí)