Nền kinh tế Philippines dự kiến sẽ đạt một trong những mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay, Hãng thông tấn Philippines (PNA) dẫn báo cáo của HSBC Global Private Banking và Bank of America (BofA) cho biết.
Cụ thể, theo PNA, Giám đốc đầu tư của HSBC Global Private Banking and Wealth tại khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ, James Cheo, cho biết nền kinh tế Philippines dự kiến sẽ đạt một trong những mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong khu vực ASEAN trong năm nay.
Cheo cho biết tăng trưởng kinh tế sẽ được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước mạnh mẽ, ngành gia công quy trình kinh doanh (BPO) phát triển mạnh và sự gia tăng đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số.
Tiêu dùng hộ gia đình cũng dự kiến sẽ trở lại mức tăng trưởng trước đại dịch, nhờ lạm phát giảm, thị trường lao động mạnh mẽ và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tăng.
Theo ông Cheo, thế mạnh của đất nước này trong xuất khẩu dịch vụ, bao gồm công nghệ thông tin và dịch vụ BPO, cũng tạo ra vùng đệm chống lại sự bất ổn thương mại toàn cầu và rủi ro thuế quan.
“Xuất khẩu dịch vụ và kiều hối, vẫn là những trụ cột kinh tế quan trọng, sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào khả năng phục hồi và ổn định kinh tế của Philippines. Các chính sách tiền tệ và tài khóa được điều chỉnh để hỗ trợ tăng trưởng trong khi rủi ro vẫn được quản lý", ông cho biết.
Ông lưu ý rằng Ngân hàng Trung ương Philippines có thể sẽ giảm lãi suất điều hành xuống 5% vào quý 3 năm nay khi thận trọng cân nhắc các rủi ro bên ngoài, chẳng hạn như khả năng biến động của đồng peso - tiền tệ của Philippines - và chu kỳ nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed).
"Về mặt tài chính, chương trình nghị sự về cơ sở hạ tầng của chính phủ vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng, được hỗ trợ bởi các biện pháp tăng doanh thu", ông cho biết.
Trong khi đó, Cheo cho biết đồng peso có thể phải đối mặt với sự biến động do đồng đô la Mỹ mạnh hơn nhưng tỷ giá chuyển nhượng cao sẽ là một biện pháp phòng ngừa.
"Chúng tôi lạc quan về PHP (đồng peso Philippines - PV) và kỳ vọng nó sẽ duy trì được mức ổn định là 59,8 so với USD vào cuối năm 2025", ông cho biết.
Trong một báo cáo riêng, BofA đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Philippines lên 5,9% trong năm nay so với mức dự báo trước đó là 5,5%.
Trong ASEAN-6, dự báo kinh tế của Philippines sẽ tăng trưởng cao thứ hai, sau dự báo tăng trưởng kinh tế 6,8% của Việt Nam. ASEAN-6 bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo BofA, Philippines, quốc gia hướng đến nội địa, "ít bị tổn thương hơn" trước tác động của mức thuế quan cao hơn mà Hoa Kỳ có thể áp dụng. Trong khi đó, BofA cho biết lạm phát tiêu đề dự kiến sẽ vẫn nằm trong mục tiêu từ 2 đến 4% của chính phủ.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng dẫn đầu ASEAN
Với Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm ngoái đã điều chỉnh tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2025 lên mức 6,6% so với mức 6,2% dự báo trước đó, là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong khu vực Ðông Nam Á.
Theo ADB, GDP của Việt Nam năm 2025 có thể tăng trưởng ấn tượng nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong sản xuất, thương mại và các biện pháp tài khóa hỗ trợ.
Tương tự, Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,5% trong năm 2025. Ngân hàng Standard Chartered mới đây cũng cập nhật dự báo triển vọng của kinh tế Việt Nam năm 2025 là tích cực với mức tăng trưởng 6,7%.
Ngân hàng UOB cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025 lên 7% từ mức trước đó là 6,6%. Quyết định đưa ra sau khi nền kinh tế tăng trưởng 7,09% năm ngoái, vượt xa mức dự báo chung của thị trường là 6,7% và mục tiêu là 6,5%.
UOB kỳ vọng về những chuyển biến tích cực từ các động lực trong nước như sản xuất, chi tiêu của người tiêu dùng và lượng khách du lịch sẽ đóng góp vào các hoạt động, đặc biệt là trong nửa đầu năm.
Các yếu tố này cộng hưởng với tình hình bên ngoài đang được nhìn nhận tích cực hơn. UOB kỳ vọng chính phủ Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, sẽ áp dụng chính sách thuế quan bổ sung theo cách có tính toán và linh hoạt hơn.
Theo Dy Khoa (Nhịp Sống Thị Trường)