Mặt hàng mang lại hàng tỷ USD cho Việt Nam chính là tôm. Thông tin từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong giai đoạn từ 2010 - 2023, Việt Nam có diện tích nuôi tôm nước lợ đạt từ 644.000 ha – 737.000 ha. Việt Nam xuất khẩu tôm đến khoảng 100 quốc gia, trong đó có 5 thị trường lớn bao gồm: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị nhập khẩu hàng thủy sản năm 2023 của Việt Nam đạt 2,61 tỷ USD, giảm 4,1% so với năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm của nước ta ước đạt 3,38 tỷ USD trong năm 2023, giảm 21,7% so với năm 2022. Như vậy, tôm chính là mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm nhiều thứ hai (chỉ sau cá tra) trong nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD của ngành nông nghiệp nước ta trong năm 2023.
Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu tôm một phần được cho là do tình trạng lạm phát ở nhiều quốc gia nên người dân có xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi phí và tìm đến với những loại thực phẩm có giá cả phải chăng. Bởi tôm được coi là một trong những thực phẩm có giá cao nhất trên thị trường.
Ngoài ra, sự sụt giảm trong việc xuất khẩu tôm cũng một phần xuất phát từ những thách thức mà ngành tôm đã và đang phải đối mặt, chẳng hạn như biến đổi khí hậu, nguồn giống còn bị phụ thuộc nhiều, hạn mặt ở ĐBSCL, hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, khó kiểm soát chất lượng…
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2024, ngành tôm sẽ tiếp tục phải cạnh tranh với các nước như Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung. Trên thực tế, tình trạng dư cung có thể vẫn sẽ tiếp diễn trong 6 tháng đầu năm, trong khi sản lượng tôm thế giới năm 2024 sẽ tăng tới 4,8% lên 5,9 triệu tấn. Ecuador và Ấn Độ hiện đang tiến hành tăng thị phần ở cả Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, tăng xuất khẩu tôm chế biến mặc dù tỷ trọng vẫn còn khiêm tốn.
VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản được dự báo là sẽ hồi phục dần trong năm 2024, đồng thời khả quan hơn vào 6 tháng cuối năm. Doanh số xuất khẩu của ngành thủy sản dự báo sẽ hồi phục trở lại ở mức 9,5 tỷ USD – 10 tỷ USD trong năm 2024. Trong số đó, ngành tôm Việt Nam hướng tới mục tiêu 4 tỷ USD, cá tra ước đạt khoảng 1,9 tỷ USD và các mặt hàng hải sản khác dự báo sẽ thu về khoảng tư 3,6 – 3,8 tỷ USD.
Dù được coi là "cường quốc" về nuôi trồng và xuất khẩu tôm lớn hàng đầu thế giới, nhưng trong năm 2023, nước ta lại chi hơn 500 triệu USD để nhập khẩu tôm từ các quốc gia khác. Trên thực tế, các loại "tôm ngoại" được bày bán nhiều các các chợ Việt.
Vậy, đâu là nguyên nhân nước ta mạnh tay nhập nhiều "tôm ngoại"?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu các loại tôm nhằm phục vụ cho nhu cầu chế biến và tiêu dùng nội địa. Trong số đó, tôm hùm được coi là mặt hàng được nhập khẩu nhiều và bày bán phổ biến.
VASEP cho biết, kể từ năm 2011, Ấn Độ được coi là thị trường hàng đầu cung cấp thủy sản cho Việt Nam. Trong đó, tôm chiếm tới 80% giá trị nhập khẩu. Nguyên nhân được đưa ra là do so với giá tôm nguyên liệu trong nước, giá tôm của Ấn Độ thấp hơn.
Theo các chuyên gia, sở dĩ Việt Nam vẫn nhập khẩu lượng lớn thủy sản, trong đó có mặt hàng tôm, là do giá tôm nguyên liệu ở trong nước cao hơn so với các quốc gia xuất khẩu tôm khác. Vì vậy, để tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời duy trì tốc độ xuất khẩu, các doanh nghiệp đã tiến hành mua từ các nước khác về. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này sẽ làm ảnh hưởng tới ngành thủy sản của Việt Nam. Bởi khi không còn quá phụ thuộc vào nguồn cung nguyên liệu ở trong nước, các doanh nghiệp có thể sẽ ép giá người nuôi.
Ngoài ra, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người dân thường ưu tiên chọn những sản phẩm có giá rẻ hơn, nhưng chất lượng tương đồng. Chẳng hạn, do giá tôm hùm nhập khẩu như tôm hùm Alaska, tôm hùm Úc… rẻ hơn so với hàng Việt nên người dân đặt mua ăn nhiều hơn.
Tôm là loại thực phẩm cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho con người. Trong 100 gram tôm nấu chín có chứa 99 calo, 0,3 gram chất béo, 189 miligram cholesterol, 11 milidram natri, 24 gram chất đạm và 0,2 gram carb. Ngoài ra, tôm còn có nhiều khoáng chất và vitamin, chẳng hạn như: Phốt pho, đồng, kẽm, magie, kali, omega-3…
Theo Minh Hằng (Đời sống Pháp luật)