Người phụ nữ bị bà Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai tố cáo lừa 150 tỷ đồng là ai?

20/01/2024 14:55:38

Sau khi bị tố giác, bà Phượng cũng có đơn phản tố gửi cơ quan chức năng cho rằng mình bị bà Loan vu khống.

Sự vụ gây chú ý mới đây, bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCGL, mã chứng khoán QCG) – ngày 23/11/2023 đã có đơn tố cáo bà Ngô Thị Minh Phượng và bà Nguyễn Thị Kim Liên (cùng ngụ TP Vũng Tàu) lên Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Bà Rịa - Vũng Tàu, về hành vi “Lừa đảo và chiếm đoạt tài sản”.

"Đại gia" bất động sản vẫn bị lừa?

Bà Như Loan là người được xem là “tay chơi” dày dặn kinh nghiệm trên thị trường bất động sản.

Theo đơn tố cáo của bà Loan, vào ngày 5/4/2021, bà Nguyễn Thị Kim Liên và bà Ngô Thị Minh Phượng (đại diện bên A) đã ký hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc, cam kết sẽ chuyển nhượng 125ha đất tại phường Kim Dinh và phường Long Hương (TP Bà Rịa) cho bà Loan (đại diện bên B) với tổng giá trị là 799,5 tỷ đồng. Thời gian thực hiện chuyển nhượng đủ 125ha đất là 60 ngày, tính từ ngày 5/4/2021. Nếu 1 trong 2 bên vi phạm hợp đồng thì sẽ bị phạt gấp đôi tiền cọc (tiền cọc 20 tỷ đồng) hoặc chịu mất tiền cọc.

Theo thỏa thuận, bà Loan đã đặt cọc với số tiền 20 tỷ đồng và trước ngày ký hợp đồng bà Liên giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) với diện tích khoảng 10ha để làm tin. Đến ngày 6/5/2021 bà Loan đã chuyển 4 lần theo đề nghị chuyển tiền của Bà Liên tổng số tiền, bao gồm tiền đặt cọc là 130,05 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo bà Loan, đến hết thời hạn 60 ngày theo hợp đồng, bà Liên và bà Phượng không có đủ diện tích đất 125ha để ký công chứng chuyển nhượng theo hợp đồng. Do đó, ngày 1/7/2021 (sau khi quá hạn 26 ngày), bà Loan gửi thông báo vi phạm thời hạn hợp đồng cho bà Liên, đồng thời yêu cầu bà Liên, bà Phượng phải hoàn trả số tiền gốc bà Loan đã chuyển và bồi thường cọc và lãi vay chậm trả theo chế tài, do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng.

Ngoài ra, bà Phượng còn bị một số người khác trong nhóm của bà Loan tố cáo lừa đảo chiếm đoạt số tiền vay hàng chục tỷ đồng thông qua việc thế chấp “sổ đỏ” trong dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Oceanami (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) do CTCP Du lịch Hoa Anh Đào làm chủ đầu tư.

Người phụ nữ bị bà Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai tố cáo lừa 150 tỷ đồng là ai?
Bà Ngô Thị Minh Phượng (bên phải)
Người phụ nữ bị bà Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai tố cáo lừa 150 tỷ đồng là ai? - 1
Ảnh: Dự án liên quan đơn tố cáo của bà Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai.

Bà Ngô Thị Minh Phượng nói gì?

Theo nguồn tin từ báo Saigongiaiphong Online, sau khi bị tố giác, bà Phượng cũng có đơn phản tố gửi cơ quan chức năng cho rằng mình bị bà Loan vu khống, xúc phạm và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Qua làm việc, bà Phượng thừa nhận có hợp đồng chuyển nhượng 125ha tại TP Bà Rịa với bà Loan và có nhận số tiền 130,05 tỷ đồng. Bà Phượng cũng cho rằng nhóm của mình có sở hữu một phần và có khả năng gom đủ số đất 125ha để chuyển nhượng cho bên mua như đã ký kết.

Tuy nhiên, theo lời bà Phượng, phía bà Loan không công chứng chuyển nhượng từng đợt như các điều khoản của hợp đồng, không có thiện chí mua đất nên dẫn đến hợp đồng không thành công. Về số tiền bà Loan đã chuyển nhưng chưa được trả lại, bà Phượng cho rằng bà Loan còn nợ tiền mình ở một dự án khác nên chưa trả lại khoản tiền này.

Đối với vụ việc thế chấp 20 cuốn “sổ đỏ” trong dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng Oceanami, bà Phượng cho rằng mình chỉ mượn giùm cho bà Loan nhằm mục đích để tham khảo cho việc tách thửa chứ không có chuyện thế chấp để vay số tiền 75,7 tỷ đồng.

Sau một thời gian cho mượn tài sản, bà Phượng tiếp tục bị bà Loan yêu cầu dùng 10/20 cuốn “sổ đỏ” và ký vào giấy tờ vay 105 tỷ đồng của một người tên N. Tuy toàn bộ số tiền vay đều do bà Loan nhận nhưng bà Phượng lại là người phải bỏ ra số tiền 93 tỷ đồng trả nợ cho ông N.

Riêng đối với khoản 75,7 tỷ đồng, bà Phượng thừa nhận có vay nợ nhưng chưa trả do bà Loan còn nợ lại mình rất nhiều tiền. Ngoài ra, về việc ký xác nhận nợ bà Loan số tiền lên đến hơn 897 tỷ đồng thì bà Phượng cho rằng do sợ hãi, lo lắng mất tài sản nên phải ký vào giấy nợ.

Hiện, các vụ việc đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thụ lý để điều tra làm rõ.

Chân dung bà Ngô Thị Minh Phượng

Bà Ngô Thị Minh Phượng nguyên là Chủ tịch HĐQT của CTCP Địa ốc An Khang.

Khoảng 10 năm về trước, bà Phượng và Địa ốc An Khang từng vướng vào vòng lao lý với tội trạng: Từ cuối 2010 đến cuối 2013, dù chưa được cấp phép xây dựng, chưa đóng góp đủ vốn theo quy định, không có năng lực tài chính, bà Phượng cùng đồng phạm vẫn ký 321 hợp đồng huy động góp vốn (thực chất là mua đất nền) với 287 khách hàng, thu hơn 400 tỷ đồng. Bà Phượng không giao đất như cam kết nên bị 267 người tố cáo.

Đầu năm 2014, bà Phượng bị bắt giam về hành vi "lừa đảo số tiền 410 tỷ rồi đi mua nhà Singapore". Theo kết quả điều tra giai đoạn này, năm 2008 Địa ốc An Khang đã lập dự án Khu trung tâm thương mại và nhà ở cao cấp tại phường 11, TP Vũng Tàu (gọi là dự án Metropolitan) với tổng diện tích đất sử dụng 430.000 m2, tổng vốn đầu tư gần 9.800 tỷ đồng. Một thời gian sau, Địa ốc An Khang đã dựa vào việc được UBND TP Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án Metropolitan để thực hiện việc huy động vốn của khách hàng dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn, thực chất là hợp đồng bán nền.

Trong khi thực tế, Công ty này chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp tại khu vực dự án, chưa có đủ vốn theo quy định, chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng, cũng như chưa được phép huy động vốn bán nền. CQĐT xác định, từ tháng 12/2010 - 12/2013, Địa ốc An Khang đã ký huy động góp vốn (thực chất là bán nền) với 296 người, tương ứng 333 hợp đồng, thu được 410 tỷ đồng.

Vào tháng 8/2022, HĐXX TAND tỉnh Bà Rịa kết thúc xét xử vụ án này với kết luận: Do có sự chuyển biến về pháp luật hình sự nên HĐXX thống nhất quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo Ngô Thị Minh Phượng.

Cụ thể, theo HĐXX, bản chất của vụ việc là các khách hàng Công ty An Khang ký hợp đồng góp vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà ở thuộc dự án Metropolitan. Công ty An Khang cũng có đất góp vào dự án nên không có dấu hiệu cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Nội dung bản hợp đồng góp vốn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình nhà ở thuộc dự án Metropolitan, nhưng các bị cáo sau khi nhận tiền vốn góp của khách hàng lại sử dụng trả tiền thanh toán cho nhau, sử dụng vào mục đích khác. Hành vi của các bị cáo là vụ lợi, sử dụng trái phép tài sản vốn góp của khách hàng, số tiền thu được trên 400 tỷ đồng để làm dự án nhưng số tiền đầu tư chỉ trên 20 tỷ đồng. Phạm vào tội “sử dụng trái phép tài sản” , theo khoản 1, Điều 142, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Hành vi của các bị cáo xảy ra trong giai đoạn 2010 đến 2013, nên áp dụng khoản 1, Điều 142, Bộ luật Hình sự năm 1999 để xét xử các bị cáo nhưng xem xét vận dụng Nghị quyết của Quốc hội và các điều luật mới có lợi cho bị cáo trong quá trình xét xử.

Theo Tri Túc (Nhịp sống Thị trường)

Nổi bật