Sự hiện diện của các quỹ đầu tư phương Tây, vốn nổi tiếng với những thương vụ mạo hiểm, có tính rủi ro, đang ngày càng rõ ràng tại Việt Nam. Kinh tế phát triển nhanh, thị trường chứng khoán khởi sắc cùng việc Chính phủ tích cực thoái vốn tại các tập đoàn Nhà nước đang mang đến cơ hội cho các quỹ ngoại.
Điểm đến của các quỹ đầu tư phương Tây
Những điều kiện lý tưởng trên đã thu hút hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực đầu tư, có thể kể đến như các quỹ như Warburg Pincus, KKR và TPG, những quỹ đang bơm tiền tìm cơ hội tại Việt Nam khi thị trường sân nhà đang dần kém hấp dẫn.
Warburg Pincus có cú mở màn táo bạo với các khoản đầu tư tổng cộng 1 tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt. Tháng 3/2018, quỹ này bơm khoản đầu tư tư nhân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam khi đầu tư 370 triệu USD vào cổ phiếu Techcombank, trước khi ngân hàng này lên sàn HoSE tháng 6/2018.
Trước đó, quỹ này cũng đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail, sau đó nâng mức đầu tư lên 300 triệu USD.
KKR cũng hướng tầm nhắm về Việt Nam. Quỹ đầu tư hàng đầu của Mỹ đã bơm tiền vào Masan Group trong năm 2017.
"Việt Nam có tiềm năng lớn với kinh tế đang lên cùng nhiều yếu tố thuận lợi về xu hướng nhân khẩu", ông Ashish Shastry, lãnh đạo KKR Đông Nam Á nhận định.
Sự phát triển bùng nổ của Việt Nam nằm trong xu hướng chung đang trải khắp châu Á, nơi các quỹ đầu tư phương Tây đã đổ 158 tỷ USD vào năm 2017, tăng 38% so với năm 2016 và lần đầu vượt mặt châu Âu theo số liệu từ Preqin.
Riêng tại khu vực Đông Nam Á, con số này đã là 23,5 tỷ USD, tăng nóng gần gấp 3 lần so với năm 2016. Các nhà đầu tư đang đặt cược vào tốc độ tăng trưởng, quá trình đầu tư vào hạ tầng công nghệ và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại khu vực này.
Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IFM) dự đoán tăng trưởng ổn định tại 5 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình 5,3% vào năm 2018 và 5,4% vào năm 2019.
Nơi tìm được những khoản đầu tư sinh lời
Các chuyên gia nhận định Ấn Độ và Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhưng giá cổ phiếu tại các quốc gia này đang quá cao, khả năng sinh lời không triển vọng như tại Đông Nam Á.
Dẫn lời một chuyên gia, Nikkei khẳng định ở Đông Nam Á, các nhà đầu tư có thể tìm được những khoản đầu tư hợp lý hơn, và hoàn toàn có thể sinh lời lớn sau 3-5 năm.
Một yếu tố khác thu hút các quỹ ngoại đổ tiền vào Đông Nam Á là những cải cách về thị trường vốn. Tại Việt Nam, cải cách này chủ yếu tập trung ở khối kinh tế công, bao gồm việc thoái vốn tại các tập đoàn Nhà nước.
Quá trình này được triển khai từ năm 2011, nhưng chỉ thực sự khởi sắc từ năm 2016. Tổng số các tập đoàn Nhà nước trong năm 2016 đã giảm từ con số 1.500 của năm 2010 xuống còn còn 583 và dự kiến sẽ còn khoảng 120 vào năm 2020, theo số liệu từ Bộ Tài chính.
Trong khi đó, số doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam đã tăng từ 2 doanh nghiệp năm 2000 lên con số 686 vào cuối năm 2015, theo số liệu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước. Tổng vốn hóa thị trường cũng tăng từ 0,23% GDP lên 34,5% GDP trong giai đoạn trên.
Hàng loạt doanh nghiệp Nhà nước đã lên sàn trong năm 2018, có thể kể đến như Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, PV Power hay Tập đoàn Cao su Việt Nam. Một số cái tên lớn khác cũng đang rục rịch chuẩn bị lên sàn như MobiFone, VNPT hay Tổng công ty thuốc lá Việt nam.
Thủ tướng đã từng khẳng định những cú lên sàn này chính là cơ hội để các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước nắm giữ cổ phần của những doanh nghiệp Nhà nước. Và động thái đầu tư mạnh tay của những quỹ đầu tư hàng đầu phương Tây đang thể hiện rõ nhất cho xu thế này.
Theo Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)