Tăng trưởng dựa vào đâu?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Chính phủ mong muốn lắng nghe các ý kiến đánh giá, phân tích rõ hơn thuận lợi, khó khăn để điều hành nền kinh tế đi đúng hướng hơn. Phó Thủ tướng cho rằng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế hôm qua chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế- xã hội khi đưa ra nhận định: “tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp FDI”.
Ông Vương Đình Huệ nhắc lại phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị Trung ương 7, năm 2017 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng đất nước đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội đề ra. “Như vậy mà nói phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không? Mấy năm nay 2016, 2017 công nghiệp than đá và dầu tăng trưởng âm hết”, ông Vương Đình Huệ phản biện. Đáp lời Phó Thủ tướng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho biết, báo cáo thẩm tra trình bày trước Quốc hội là báo cáo tóm tắt, thời gian khống chế nên không nêu được đầy đủ nội dung. Báo cáo đầy đủ rất dài đã gửi cho các đại biểu.“ Tôi xin phép thay mặt Ủy ban Kinh tế xin lỗi Chính phủ về điều đó”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: Báo cáo thẩm tra không phải là phủ định hết thành quả của Chính phủ vì Chính phủ cũng đã hết sức nỗ lực. “Báo cáo thẩm tra chỉ nhấn mạnh thêm trách nhiệm của chúng ta ra Quốc hội cần phải thảo luận để làm rõ. Chứ còn ra Quốc hội chỉ tung hô vạn tuế, hoan nghênh nhau thì người dân cảm thấy chưa có trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nói. Theo Chủ tịch Quốc hội, tăng trưởng quý I - 2018 đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua một phần do so với năm trước không đạt cao. Năm trước không cao do Sam Sung có sự cố vì dòng sản phẩm Galaxy Note 7 có vấn đề, gặp khủng hoảng, phải thu hồi. Năm nay không có khủng hoảng nên mặt hàng này đóng góp cho xuất khẩu lớn. Mặt khác Formosa quý I năm 2017 chưa đi vào hoạt động, giờ đi vào hoạt động rồi, và đã đóng góp một phần khá lớn cho GDP…
“Tôi phân tích chỗ này để thấy rằng tăng trưởng của Quý I cũng dựa vào chế biến, chế tạo, nhưng nó lại tập trung vào khối doanh nghiệp FDI. Mà nếu tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào khối này thì nền kinh tế của chúng ta dễ bị gặp rủi ro. Những DN này chỉ cần hắt xì hơi một cái là nền kinh tế của chúng ta phát sốt, ngân sách nhà nước, hay thu thuế gặp vấn đề”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ.
“BOT hết sức nóng”
Đề cập đến vấn đề BOT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thừa nhận: “BOT là việc hết sức nóng, có thể nói chưa lúc nào nóng như vừa qua. Nếu chúng ta sắp xếp, giải quyết không ổn thỏa thì sẽ dẫn đến dư luận quốc tế, dư luận trong nước không tốt, việc đầu tư sẽ gặp khó khăn”, ông Thể nói. Tuy nhiên, ông cho hay, đây là sản phẩm của giai đoạn trước.
Về giải pháp khắc phục, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, trước mắt sẽ tập trung giải quyết những vấn đề đang tồn tại, việc nào liên quan đến trạm thu giá nào chúng tôi sẽ tập trung xem xét nguyên nhân để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết. Còn về lâu dài, Bộ GTVT đang chuẩn bị rất nhiều dự án, nhưng tập trung làm trên các đường song hành chứ không làm ở đường độc đạo. Đồng thời thực hiện duy tu, sửa chữa để đường cũ có hiệu quả tốt. “Nếu đường quá tải thì lập đường song hành để thu phí kín và phát triển đường cao tốc để chạy với vận tốc nhanh, đảm bảo”, ông Thể cho biết.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng băn khoăn với thông tin Kiểm toán Nhà nước đưa ra là qua kiểm toán 40 dự án BOT trong năm 2017, cơ quan này kiến nghị giảm thời gian thu phí tới 120 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm hơn 1.460 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, năm 2016 về trước, cơ quan này cũng kiến nghị giảm 127,4 năm thu phí của 27 dự án triển khai trước đó. “Nếu không cẩn thận, thông tin sẽ tạo dư luận xã hội rất xấu trong bối cảnh cả nước đang triển khai thực hiện chủ trương thu hút nguồn vốn đầu tư xã hội thông qua các phương thức như BOT”, ông Dũng nói.
“Tôi phân tích chỗ này để thấy rằng tăng trưởng của Quý I nó cũng dựa vào chế biến, chế tạo, nhưng nó lại tập trung vào khối doanh nghiệp FDI. Mà nếu tăng trưởng chỉ phụ thuộc vào khối này thì nền kinh tế của chúng ta dễ bị gặp rủi ro. Những DN này chỉ cần hắt xì hơi một cái là nền kinh tế của chúng ta phát sốt, ngân sách nhà nước, hay thu thuế gặp vấn đề”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Chính phủ lắng nghe góp ý để khắc phục
Trong phiên họp tại tổ sáng 22/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Đất nước ta đang chuyển mình, niềm tin của người dân, của toàn hệ thống chính trị trong Đảng được nhân lên rất nhiều, đó là nguồn lực mạnh mẽ để chúng ta xây dựng đất nước.
Thủ tướng cũng cho biết: Nợ công đến cuối nhiệm kỳ 13 ở mức độ 64,8-65% GDP. Bây giờ, do quy mô nền kinh tế tăng lên, nợ chỉ còn trên 61%, nhờ đó bảo đảm nền kinh tế an toàn, do GDP đạt trên 5 triệu tỷ đồng. Sự tiến bộ của nền kinh tế, theo Thủ tướng, cũng được thể hiện qua việc từ chỗ đứng thứ 48 thế giới, hiện quy mô nền kinh tế Việt Nam đã đứng ở vị trí 40. Chỉ số cạnh tranh quốc gia, môi trường đầu tư kinh doanh cũng tăng 14 bậc trong thời gian qua, từ trung bình lên tích cực.
Thủ tướng nhấn mạnh phải quan tâm đến các vấn đề xã hội, các tầng lớp kinh doanh hơn nữa, nhất là khu vực nông thôn. “42% lao động sống ở nông thôn nhưng giá trị trong nông nghiệp nông thôn đóng góp cho GDP chỉ 18%. Chúng ta phải đặt câu hỏi vì sao năng suất chúng ta thấp”, Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng cho rằng Chính phủ thấy được những hạn chế, bất cập còn tồn tại mà Quốc hội góp ý kiến, lắng nghe để khắc phục, xây dựng thể chế, luật pháp…
Hà Anh
Theo Văn Kiên - Luân Dũng (Tiền Phong)