Vì sao ông Nguyễn Vũ Trường Sơn xin thôi chức Tổng giám đốc PVN?

14/03/2019 10:07:00

Thông tin ông Nguyễn Vũ Trường Sơn bất ngờ có đơn xin từ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) được thị trường quan tâm.

Đặc biệt, thời điểm này trùng với thời điểm Bộ Công Thương vừa có báo cáo về 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực tham dò khai thác dầu khí. Đáng nói nhất là dự án đầu tư tại Venezuela của PVEP trong thời điểm ông Sơn làm Tổng giám đốc doanh nghiệp này.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn chính thức nhậm chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) từ đầu tháng 3.2016. Ông Sơn có thời gian làm Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) (Thời kỳ từ tháng 7.2009 đến  đầu tháng 2.2012). Từ tháng 2.2012 đến tháng 3.2016, ông Sơn là phó Tổng giám đốc tại PVN

Ông Sơn cũng có thời gian ngắn (năm 2017) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên của PVN, sau đó trở lại vị trí Tổng giám đốc của tập đoàn này. 

Theo nguồn tin của VnExpress, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đã có đơn xin từ chức gửi Hội đồng thành viên tập đoàn này. Lá đơn của ông Sơn gửi từ nhiều ngày trước, nhưng tới ngày 12.3 Hội đồng thành viên PVN mới họp và đồng ý xét đơn của ông Sơn. 

Theo trình tự thủ tục, việc ông Sơn có được thôi chức vụ Tổng giám đốc PVN hay không cần sự chấp thuận của cơ quan chủ quản - Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và Thủ tướng xem xét, quyết định. 

Lợi nhuận giảm, nợ phải trả tăng mạnh

Kể từ 2012 đến nay, doanh thu và lợi nhuận PVN có nhiều biến động lớn, trong khi nợ phải trả ngày càng lớn. Tỷ trọng nợ ngày càng lớn phần nào kéo chi phí tài chính tăng theo.

Cụ thể, năm 2012, doanh thu của toàn tập đoàn đạt 372 nghìn tỷ đồng. Con số này tăng lên đến 406 nghìn tỷ đồng trong năm 2013 (tương đương tăng 9,1%). Nhưng từ năm 2014 trở đi, doanh thu của PVN liên tục giảm. Cụ thể, năm 2014 giảm xuống 381 nghìn tỷ đồng. Doanh thu năm 2015 và 2016 lần lượt đạt 293.000 tỷ đồng và 234.000 tỷ đồng, tức là giảm 23% và 20% so với năm trước đó.

Năm 2016 cũng là năm đầu tiên ông Nguyễn Vũ Trường Sơn nhậm chức Tổng giám đốc của Tập đoàn này, từ vị trí Phó tổng giám đốc. Năm 2017, 2018 doanh thu của PVN có khả quan hơn với con số lần lượt là 271.000 tỷ đồng 627.800 tỷ đồng.

Vì sao ông Nguyễn Vũ Trường Sơn xin thôi chức Tổng giám đốc PVN?

Tương tự doanh thu, lợi nhuận sau thuế của PVN cũng có nhiều “thăng trầm”.  Nếu như lợi nhuận của PVN năm 2012 là 42,4 nghìn tỷ đồng thì năm 2016, con số này chỉ giảm còn 16,6 nghìn tỷ, tức là giảm gần 61%.

Lợi nhuận sau thuế năm 2013 đạt 46,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 9% so với năm trước đó. Sau đó con số này giảm dần xuống 42,9 nghìn tỷ vào năm 2014 và 30,7 nghìn tỷ năm 2015.

Năm 2017 lợi nhuận của PVN vượt lên và đạt 38 nghìn tỷ và trong năm 2018 là 47 nghìn tỷ đồng. Dù lợi nhuận tăng, song nợ phải trả của PVN lại là điều đáng nói trong kết quả kinh doanh của tập đoàn trong những năm gần đây.

Năm 2015, PVN gánh khoản nợ 319 tỷ, tăng lên mức 338 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 44% trong tổng nguồn vốn. Trong đó, gần 50% (163 nghìn tỷ đồng) là nợ dài hạn. Nợ dài hạn cũng tăng mạnh, hơn 38% trong giai đoạn 2012 – 2016. Tỷ trọng nợ ngày càng lớn phần nào kéo chi phí tài chính tăng theo.

Năm 2017, cũng là năm thứ 2 dưới thời sự điều hành của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, nợ phải trả của PVN tăng lên 342 nghìn tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn ông Nguyễn Vũ Trường Sơn giữ vai trò Tổng giám đốc tập đoàn, hàng loạt lãnh đạo của PVN vướng vòng lao lý liên quan đến những sai phạm gây thiệt hại cho PVN như cựu Chủ tịch PVN ông Đinh La Thăng, ông Phùng Đình Thực, và ông Nguyễn Xuân Sơn.

Đồng thời, PVN cũng từng vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh khi đầu tư vào Ngân hàng Đại dương (Oceanbank) bị mất 800 tỷ đồng. Sự việc này được Đoàn giám sát Quốc hội khóa XIV đánh giá là vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tín của DNNN.

Mới đây, PVN lên tiếng “kêu cứu” dự án 41.000 tỷ "đắp chiếu" thời Trịnh Xuân Thanh. Đây là dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư, PVC làm tổng thầu và được triển khai dưới thời Trịnh Xuân Thanh, song tới nay vẫn chưa thể hoàn thành do khó khăn về tài chính.

Vì sao ông Nguyễn Vũ Trường Sơn xin thôi chức Tổng giám đốc PVN? - 1
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nhìn từ trên cao

Dự án có quy mô công suất 2x600MW thuộc Trung tâm điện lực Thái Bình, được xây dựng tại Mỹ Lộc, Thái Thuỵ, Thái Bình, phê duyệt tại Quyết định 5844 ngày 2.7.2010 do Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu EPC.

Hiện tại, dự án đã giải ngân được trên 31.200 tỷ đồng, tương đương 82% tổng vốn đầu tư. Theo tính toán của PVN, đến năm 2020 dự án này mới có khả năng hoàn thành. Với mốc thời gian hoàn thành dự án như đã nêu (kế hoạch vận hành tổ máy số 1 vào năm 2017, tổ máy 2 vào năm 2018), dự án dự án nhiệt điện Thái Bình 2 chậm tiến độ 55-57 tháng.

Mất trắng hàng ngàn tỷ đồng tại Venezuela

Đối với hoạt động đầu tư, theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tham gia 13 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí. Các dự án này được PVN ủy quyền cho Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thực hiện. 

Được biết, trước khi được điều chỉnh công tác về PVN, thời kỳ từ tháng 7.2009 đến đầu tháng 2.2012, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn chính là Tổng giám đốc PVEP. Đây cũng là thời điểm đầu của dự án đầu tư tại Venezuela của PVEP.

Trong số 13 dự án, chỉ có 2 dự án có dòng tiền chuyển về nước hoặc có hiệu quả kinh tế. Đó là lô Nhenhexky góp vốn đầu tư 533,22 triệu USD (Nga) và lô 433a&416b (Algeria) góp vốn 1,26 tỷ USD. Còn lại 11 dự án của PVN ở nước ngoài gặp khó khăn, có dự án phải tạm dừng triển khai, nguy cơ mất lượng tiền lớn đã đầu tư. Điển hình là dự án Junin 2 tại Venezuela.

Vì sao ông Nguyễn Vũ Trường Sơn xin thôi chức Tổng giám đốc PVN? - 2
Trụ sở PVN tại Hà Nội. Ảnh Ngọc Thắng

Dự án này PVEP dưới sự điều hành của ông Nguyễn Vũ Trường Sơn là chủ đầu tư (40% vốn) cùng với Tổng công ty dầu khí Venezuela. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1,8 tỷ USD cho giai đoạn 1 từ 2010-2015. PVEP đã rót hàng trăm triệu đô vào dự án này.

Thế nhưng hiện nay dự án đã tạm dừng triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo ngày 2.12.2013 của Văn phòng Chính phủ.

Cũng liên quan đến dự án này, C03 vừa có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cho biết đang xác minh một số dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc thực hiện dự án đầu tư liên doanh phát triển khai thác và nâng cấp dầu khí lô Junin 2, Venezuela, của Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) thuộc PVN. Để phục vụ công tác điều tra xác minh, C03 đề nghị PVN cung cấp toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án lô Junin2 của PVEP.

Dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 với sự hợp tác của liên doanh PVEP và Tổng công ty dầu khí Venezuela, được thực hiện từ năm 2010. Tổng mức đầu tư được loan báo lên tới 12,4 tỷ USD, phân kỳ làm 2 giai đoạn, ban đầu rót 8,9 tỷ USD, giai đoạn 2 rót 3,5 tỷ USD.

Vì sao ông Nguyễn Vũ Trường Sơn xin thôi chức Tổng giám đốc PVN? - 3
Dự án tại Venezuela gắn với giai đoạn ông Nguyễn Vũ Trường Sơn khi còn làm tại PVEP

Ngoài tính chất "siêu dự án" về mặt quy mô vốn đầu tư, lô Junin 2, được PVN báo cáo Chính phủ nằm ở khu vực có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới, cho phép khai thác công suất 1.400 tỷ thùng. Theo tỷ lệ vốn góp 40%, PVN có thể thu về 4 triệu tấn dầu/năm, dự kiến hoàn vốn sau 7 năm. Con số này tương đương 70% sản lượng dầu của Vietsovpetro, liên doanh dầu khí đầu tiên và lớn nhất tại VN.

Đến tháng 4.2013, ban lãnh đạo mới của PVN đã quyết định bỏ dự án này để "cứu" khoản tiền phải nộp lên đến 142 triệu USD, chấp nhận bỏ hơn 500 triệu USD đã nộp cho Venezuela mà chưa thu được giọt dầu nào.

Theo Huyền Anh (Dân Việt)

Nổi bật