Lãi suất cho vay mới thấp nhất lịch sử
Ngân hàng Agribank vừa công bố lãi suất cho vay bình quân và chênh lệch lãi suất bình quân tháng 3/2024. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường tối thiểu 5%/năm. Lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 6%/năm. Lãi suất cho vay đối với tiêu dùng qua thẻ tín dụng 13%/năm. Lãi suất cho vay bình quân 7,47%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân tại BIDV 6,49%/năm. Chênh lệch giữa lãi suất cho vay bình quân với lãi suất huy động vốn bình quân là 3,12%/năm.
VIB công bố lãi suất cho vay bình quân trong tháng 2 của khách hàng cá nhân với khoản vay ngắn hạn 7,29%/năm; vay trung và dài hạn 8,6%/năm. Với khách hàng doanh nghiệp, lãi suất bình quân khoản vay ngắn hạn ở mức 6,83%/năm; trung và dài hạn 7,69%/năm.
TPBank công bố lãi suất cho vay bình quân 7,76%/năm. Lãi suất cho vay bình quân đối với khách hàng cá nhân 8,85%/năm và nhóm khách hàng doanh nghiệp 7,34%/năm.
Không chỉ cạnh tranh về lãi suất, các ngân hàng còn cạnh tranh cả chính sách cho vay. Theo ngân hàng Vietcombank, hiện có gần 14 triệu tỷ đồng gửi trong hệ thống ngân hàng, nếu không cho vay được, các ngân hàng sẽ vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền. Điều này gây áp lực cạnh tranh cho các ngân hàng trong bối cảnh tín dụng tăng chậm.
Người vay vẫn phải gánh lãi suất cao
Dù gần một năm qua lãi suất huy động liên tục giảm và hiện chỉ quanh mức 4 - 5%/năm nhưng thực tế khách vay vẫn phải chịu lãi suất từ 12-16% cho các khoản vay cũ. Thậm chí, nhiều khách hàng không hề được ngân hàng giảm lãi vay với lý do ngân hàng chưa có chính sách.
Anh Minh Đức (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết đang có khoản vay tại TPBank với ngày giải ngân 28/9/2022 với thời gian vay 60 tháng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, lãi suất ngân hàng vẫn áp 12,05%/năm.
Phải trả mức lãi rất cao, anh Nguyễn Minh (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ vay ngân hàng VIB, ngày giải ngân 13/3/2020, với lãi suất hiện tại lên đến 15,5%/năm.
Cũng theo khảo sát của PV Tiền Phong, nhiều khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp với khoản vay cũ vẫn bị ngân hàng duy trì ở mức trên 10%, thậm chí có khoản vay lên đến 16%/năm.
Chị Kim Thoa (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay vừa phải vay mượn nhiều người để gom đủ 1 tỷ đồng trả nợ ngân hàng trước hạn do không chịu được mức lãi suất gần 15%/năm mà ngân hàng đang áp dụng. Mỗi tháng tiền trả lãi ngân hàng của chị tới hơn 12 triệu đồng, tính cả gốc là 15 triệu đồng/tháng.
"Mặc dù trả nợ trước hạn bị phạt phí 2% tính trên tổng dư nợ, nhưng áp lực trả nợ mỗi tháng chiếm đến một nửa thu nhập, nên tôi thà chịu phạt một phần phí để tất toán trước hạn", chị Thoa nói.
Trước đó, nhằm tháo gỡ khó khăn với khách hàng, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 cho phép khách hàng mua nhà, mua xe vay ngân hàng này đáo hạn ngân hàng khác. Tuy nhiên, nhiều khách hàng rơi vào trường hợp không có tài sản thế chấp khác hoặc không có khoản tiền sẵn trả ngân hàng này để có thể làm thủ tục vay từ đầu ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi.
Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm ngày càng giảm, các ngân hàng nên chia sẻ cả với khách hàng cũ bên cạnh việc đưa các gói vay ưu đãi với khách hàng mới. Theo đó, với các khoản vay cũ từ nửa cuối năm 2022 và đầu 2023, nếu ngân hàng áp lãi suất cao, nay đã có thể điều chỉnh để hỗ trợ khách hàng.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 2/4, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, với từng khách hàng sẽ có mức lãi suất khác nhau. Điều này phụ thuộc vào khả năng trả nợ, tài sản thế chấp, khách hàng thân quen thường xuyên vay và có lịch sử tín dụng sạch. Theo đó, với những khách hàng hội đủ nhiều yếu tố trên sẽ được vay lãi suất thấp hơn với những khách chưa có lịch sử tín dụng hoặc không tài sản thế chấp.
Cũng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, với những khách hàng vay tín dụng vào thời điểm 2020, 2021 lãi suất cao đến nay vẫn chưa giảm lãi suất phải xem lại hồ sơ tín dụng về thỏa thuận với ngân hàng liên quan đến lãi suất. Hiện, các ngân hàng vẫn duy trì mức lãi cao với khoản vay mang tính chất đầu cơ, rủi ro...
Theo Ngọc Mai (Tiền Phong)