Vì sao ngân hàng ngoại rời Việt Nam?

07/07/2017 09:52:00

Chuyện gì đang xảy ra khi các ngân hàng ngoại đang rời bỏ cuộc chơi ở Việt Nam, nhường chỗ cho các nhà băng nội, như câu chuyện của Commonwealth Bank of Australia vừa mới "bán mình" cho VIB?

Chuyện gì đang xảy ra khi các ngân hàng ngoại đang rời bỏ cuộc chơi ở Việt Nam, nhường chỗ cho các nhà băng nội, như câu chuyện của Commonwealth Bank of Australia vừa mới "bán mình" cho VIB?

Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã mua lại mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam. Trong ảnh: trụ sở Ngân hàng ANZ Việt Nam chi nhánh TP.HCM tại quận 1 - Ảnh: Quang Định

Diễn biến mới nhất với việc Commonwealth Bank of Australia (CBA) chi nhánh TP.HCM “bán mình” cho ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) xóa tan những lo ngại trước đây về chuyện thị phần sẽ rơi vào tay các nhà đầu tư ngoại trong ngành này.

Thời gian vừa qua, đã có một số ngân hàng nước ngoài đã từ bỏ cuộc chơi. Chẳng hạn, ANZ Việt Nam bán toàn bộ mảng bán lẻ tại thị trường này, và một số ngân hàng khác cũng đã thoái vốn khỏi các đối tác cùng ngành trong nước. Điều gì đang xảy ra?

Ngân hàng ngoại “bán mình”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi đi vào hoạt động năm 2008, CBA chi nhánh TP.HCM đã mua 15% cổ phần của VIB và rồi sau đó trở thành cổ đông lớn nhất của VIB (nắm giữ 20% vốn), đồng thời giữ hai ghế trong HĐQT và một ghế trong ban kiểm soát của VIB.

Chính vì thế, chuyện VIB, một ngân hàng nội, mua lại một ngân hàng ngoại, là một thương vụ chưa có tiền lệ, gây ra không ít xôn xao trong giới tài chính. 

Dù giá trị thương vụ không được tiết lộ, nhưng việc chuyển giao cho VIB dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý 3 năm nay.

Sau gần 10 năm hoạt động tại Việt Nam, đến nay CBA chỉ có một chi nhánh tại TP.HCM và một văn phòng đại diện tại Hà Nội.

Cuộc chuyển giao của CBA cho VIB nói trên thực chất là hành động rút lui khỏi thị trường Việt Nam.

Giải thích về câu chuyện này, ông Steve Ellis, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của CBA, cho rằng không muốn phân tán nguồn lực tại đây cùng lúc cho cả 2 ngân hàng (CBA TP.HCM và VIB) mà muốn tập trung nguồn lực vào VIB, nơi CBA có sở hữu cổ phần.

Trước đó, VIB trình đại hội cổ đông ủy quyền cho HĐQT chủ động quyết định mua lại chi nhánh ngân hàng nước ngoài với tổng giá trị hợp đồng mua nợ không vượt quá 6.000 tỉ đồng.

Khoản đầu tư này dành cho hai thương vụ nhưng trước đó VIB đã mua “hụt” mảng bán lẻ của ANZ VN do trả giá thấp hơn NH Shinhan Việt Nam.

Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, với thương vụ mua CBA chi nhánh TP.HCM, VIB có lợi thế do CBA là cổ đông của ngân hàng này, trong khi có rất nhiều đối thủ tham gia cuộc đua mua mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam, trong đó VIB là ngân hàng nội duy nhất.

Trong một diễn biến khác, cuối tháng 4-2017, ANZ Việt Nam cũng bán toàn bộ mảng dịch vụ bán lẻ tại thị trường này cho một đối tác nước ngoài là ngân hàng Shinhan.

Dự báo thương vụ này sẽ được hoàn tất vào cuối năm 2017 sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận.

Theo ông Dennis Hussey, Tổng giám đốc ANZ Việt Nam, động thái này nằm trong chiến lược toàn cầu của tập đoàn, sau khi đánh giá kỹ lưỡng mảng kinh doanh bán lẻ tại thị trường châu Á cũng như muốn tập trung nguồn lực vào khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính.

Vì sao ngân hàng ngoại rời Việt Nam?

Ngân hàng VIB vừa mua lại chi nhánh TP.HCM của Commonwealth Bank of Australia - Ảnh: Quang Định

Không cạnh tranh nổi với ngân hàng nội?

Như vậy, sau một thời gian đổ bộ vào Việt Nam, việc một số ngân hàng ngoại rút lui khiến dư luận không thể không đặt nhiều nghi vấn.

Trao đổi với chúng tôi, giám đốc khối bán lẻ một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho rằng dù có lợi thế về vốn và công nghệ, nhưng ngân hàng ngoại không thể hoạt động giống như các nhà băng địa phương do phải tuân thủ một số quy định riêng.

Chưa kể các ngân hàng ngoại cũng khó mở rộng mảng bán lẻ, do không đầu tư hệ thống trang thiết bị, công cụ, ATM, POS như các ngân hàng trong nước.

Do vậy, các ngân hàng nước ngoài buộc phải bán lại mảng bán lẻ cho ngân hàng nội để tập trung cho thế mạnh vốn có là bán buôn hoặc rút hẳn như CBA.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng ngân hàng nước ngoài coi trọng nguyên tắc quản trị rủi ro, tuân thủ pháp luật, thậm chí “bảo thủ” nên chịu sức ép nhất định trong cuộc cạnh tranh.

“Ngân hàng nước ngoài cũng không am hiểu địa phương bằng ngân hàng trong nước. Các ngân hàng này chủ yếu theo chân các khách hàng truyền thống khi vào Việt Nam nên thị trường bị giới hạn và sự phát triển cũng chậm”, ông Hiếu phân tích.

Theo ông Hiếu, với quy mô còn khá khiêm tốn, tổng tài sản của ngân hàng nước ngoài hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng tài sản toàn ngành ngân hàng tại Việt Nam, nên các ngân hàng nước ngoài khó phát triển mở rộng, đặc biệt là trong bối cảnh mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, chi phí hoạt động cao, quy mô khó mở rộng và lợi nhuận chưa đạt như mong muốn.

Do vậy, một số ngân hàng nước ngoài buộc phải rút khỏi thị trường Việt Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB), cho rằng động thái rút chân khỏi thị trường Việt Nam của một số ngân hàng ngoại chưa phải là xu hướng, bởi đây đều là ngân hàng toàn cầu vốn có những chiến lược kinh doanh riêng trong từng thời kỳ.

“Với những thị trường mà các ngân hàng này đánh giá là chưa hiệu quả như mong muốn hoặc do cạnh tranh quá quyết liệt, việc rút lui là bình thường và diễn ra tại nhiều thị trường chứ không riêng tại Việt Nam”, ông Tùng nói.

Trả lời câu hỏi về việc HSBC có ý định chuyển nhượng mảng bán lẻ như CBA hay không, ông Sabbir Ahmed, giám đốc toàn quốc khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản HSBC Việt Nam, khẳng định mảng bán lẻ vẫn là một mảng kinh doanh quan trọng của HSBC tại đây.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục đầu tư vào các dự án nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ bán lẻ trong phân khúc khách hàng mục tiêu”, ông Sabbir Ahmed khẳng định.

Vì sao ngân hàng ngoại rời Việt Nam?

Một số thương vụ mà ngân hàng nước ngoài chuyển nhượng lại mảng bán lẻ hoặc thoái vốn đầu tư - Đồ họa: N.KH.

 

Ông Hàn Ngọc Vũ​ (tổng giám đốc VIB):

Tận dụng nguồn lực của ngân hàng ngoại

Với thương vụ mua CBA chi nhánh TP.HCM, chúng tôi có thêm được 22.000 khách hàng chất lượng cao từ CBA cùng đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản theo quy chuẩn nước ngoài.

Hơn nữa, ngân hàng nước ngoài có lợi thế về hoạt động chuyển tiền quốc tế như chuyển tiền du học, du lịch, định cư. Mua lại chi nhánh của CBA, chúng tôi sẽ được thừa hưởng giấy phép hoạt động này và đây là lợi thế rất lớn. Thực tế các ngân hàng nội cũng được cấp phép chuyển tiền quốc tế nhưng giấy phép cấp cho ngân hàng nội bị giới hạn rất nhiều so với ngân hàng ngoại.

Theo Ánh Hồng (Tuổi Trẻ)

Nổi bật