Ngày 8/2, thông tin trên Zing News, hàng loạt cây xăng ở các tỉnh Đồng Nai, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, An Giang, Đắk Lắk treo biển hết hàng nghỉ bán. Theo nhiều đại lý và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc tạm ngưng bán hàng xuất phát từ việc nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng gần như không còn dẫn đến bán lẻ xăng dầu bị thua lỗ.
Chị Đỗ Thị Hà (trú TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ trên Dân Trí, trong vòng bán kính 10km nơi chị công tác chỉ có một cây xăng hoạt động. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, cây xăng này đóng cửa, buộc nhiều người phải mua xăng lẻ với giá lên đến 35.000 đồng/lít.
"Tôi chạy ra gần trung tâm huyện đổ xăng, thế nhưng tại cây xăng này cũng chỉ giới hạn mỗi khách hàng được mua không quá 50.000 đồng/lần", chị Hà nói.
Trên Tuổi Trẻ, tại Hà Nội, ngày 7-2 không có hiện tượng cây xăng phải nghỉ bán, chỉ rải rác một số cửa hàng treo biển bán theo khung giờ.
Tuy nhiên, anh N.Hải (Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) cho hay vừa rồi đổ xăng ở một cây xăng đầu đường Hoàng Quốc Việt nhưng cửa hàng này thông báo hết xăng E5RON92, đề nghị khách mua xăng RON95.
Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Sản xuất Thắng Thành, doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết phải đóng cửa một số cửa hàng từ trước Tết Nguyên đán do thiếu nguồn cung và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào.
"Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước. Càng bán càng lỗ nặng", ông chia sẻ trên Zing News.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phía Nam cho hay từ sau Tết Nguyên đán cung ứng xăng dầu căng thẳng hơn khi lượng xăng dầu dự trữ giảm, nguồn cung thì chưa cải thiện. Thường từ ngày 25 - 28 hằng tháng các nhà máy lọc dầu sẽ công bố sản lượng bán nhưng đến nay chưa có thông báo nào, thông tin trên Tuổi trẻ.
"Nhiều cây xăng nghỉ bán, giảm bán nên khách hàng tập trung mua xăng dầu của chúng tôi, chỉ còn cầm cự được khoảng 1-2 ngày. Doanh nghiệp càng bán càng lỗ, mỗi lít xăng lỗ 1.500 đồng, dầu lỗ 1.000 đồng. Nếu không tháo gỡ, trước sau gì chúng tôi cũng phải đóng cửa" - vị này nói.
Trao đổi với Tuổi trẻ, một đại diện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay có nhiều đơn vị muốn tăng sản lượng mua, có đại lý không thuộc hệ thống cũng muốn mua. Nhưng do căng thẳng nguồn cung khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất, Petrolimex chỉ có thể đáp ứng theo hợp đồng.
Vị này khẳng định không có việc Petrolimex không cung ứng đủ xăng dầu cho đơn vị đã ký hợp đồng. Chỉ một số trường hợp nguồn cung chậm hơn chút nhưng cơ bản đã đáp ứng.
Trao đổi với Zing, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết đã nắm được thông tin một số điểm bán xăng dầu treo biển hết hàng. Theo ông, tình trạng này xuất hiện từ trước Tết Nguyên đán do nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng khi Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động.
“Bộ Công Thương có báo cáo đánh giá gửi Chính phủ nhằm có phương án xử lý. Đồng thời, đơn vị cũng đã trao đổi với các đầu mối, nguyên tắc chung là đảm bảo tổng cung, giao nhiệm vụ cho từng đầu mối để có nguồn hàng nhanh nhất, sớm nhất”, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước nói.
Trước đó, Bộ trưởng Công Thương cũng đã có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đơn vị nào găm hàng chờ tăng giá. Ông Đông cho biết với những cửa hàng, cây xăng phải đóng cửa với lý do chính đáng như hết xăng, Bộ sẽ phối hợp điều phối, cung ứng.
PN (Nguoiduatin.vn)