Nguồn cung xăng dầu khan hiếm
Trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm dần 2022, giá gas, giá xăng dầu đang chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao.
Đặc biệt, sự kiện Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động do khó khăn về tài chính, điều này tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
Ghi nhận của PV Lao Động chiều 7.2, tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố Hà Nội, cơ bản nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa bán hàng, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng và không có hiện tượng cây xăng phải nghỉ bán. Tuy nhiên, vẫn có một số cửa hàng treo biển bán theo khung giờ, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán.
Tại một cửa hàng xăng dầu trên phố Thuỵ Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã đưa ra thông báo giảm thời gian bán hàng vào dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, ngày 28 và 29 Tết, thời gian bán hàng 24/24h; ngày từ mùng 1 và mùng 2 Tết bán từ 8-9h sáng đến 22-23h đêm; từ mùng 3 đến mùng 6 Tết bán hàng từ 4h sáng đến 24h đêm.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Chủ tịch Công ty TNHH TM & DV Long Hưng - một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn cho biết, hiện nay nguồn cung xăng dầu rất khan hiếm, doanh nghiệp muốn nhập nhiều cũng khó.
Chính vì vậy, nhiều cửa hàng xăng dầu của ông đã phải "siết" lại việc bán hàng, vừa đảm bảo người dân có thể được sử dụng xăng dầu, nhưng không tràn lan.
"Khách hàng mua xăng dầu, chúng tôi vẫn bán và bán ở mức đủ, tuyệt đối không bán cho những người mang can lớn đến mua xăng dầu, vì hiện nguồn cung xăng dầu rất khó khăn", ông Quỳnh cho hay.
Nhập khẩu gấp, giá xăng dầu sẽ rất cao
Một thương nhân phân phối xăng dầu ở Hà Nội chia sẻ, thông thường, từ ngày 25 đến 28 hằng tháng, các nhà máy lọc dầu sẽ công bố sản lượng bán hàng cho các thương nhân đầu mối, nhưng đến nay chưa có bất cứ thông báo nào về sản lượng có thể cung cấp để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, khẳng định với Lao Động, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho rằng, trong bất kỳ tình huống nào cũng sẽ cố đảm bảo nhu cầu của người dân, khách hàng với các phương án mua trong nước hay nhập khẩu theo tỉ lệ thị trường nắm giữ. Bất kỳ phương án nào cũng tính toán dựa trên lượng hàng tối thiểu đã đăng ký.
"Lo ngại ảnh hưởng tới nguồn cung xăng, dầu trong nước là có, nhưng đương nhiên, chúng tôi sẽ có kế hoạch nhập khẩu để bù lại. Về nguyên tắc, chúng tôi phải đảm bảo ổn định nhu cầu tiêu dùng đối với thị trường của chúng tôi", vị đại diện Petrolimex cho biết.
Trao đổi với Lao Động, một quan chức Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn phải tạm dừng hoạt động, nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp, thương nhân ở toàn miền Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất là ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Khi được hỏi liệu các doanh nghiệp đầu mối có thể chủ động nhập khẩu xăng dầu từ các nguồn khác không, vị này cho rằng, vấn đề nhập khẩu phụ thuộc vào từng doanh nghiệp, luật pháp không cấm doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu.
Nhưng nếu doanh nghiệp nhập khẩu từ bên ngoài thì phải mất tiền tàu, xếp dỡ, bốc hàng... chi phí "đội" lên rất cao, không được thuận lợi như khi mua từ Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn. Bên cạnh đó, việc đặt hàng gấp rút, bán giao ngay thì giá sẽ cao hơn rất nhiều.
Theo Cường Ngô (Lao Động)