Lúc 11 giờ 30, tại TP HCM, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 56,65 triệu đồng/lượng, bán ra 57,93 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 500.000 đồng/lượng so với hôm qua.
Tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC mua vào 56,4 triệu đồng/lượng, bán ra 57,4 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua – bán được neo ở mức 1 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua – bán tiếp tục được các doanh nghiệp duy trì ở mức cao, từ 1-1,3 triệu đồng/lượng trước sự biến động quá lớn của giá vàng những ngày qua.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với giá vàng miếng SJC. Hiện giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch mua vào 53,95 triệu đồng/lượng, bán ra 55,05 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng miếng SJC gần 3 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới tăng khoảng 20 USD/ounce lên mức 1.962 USD/ounce, bất chấp áp lực chốt lời của giới đầu tư quốc tế. Vài ngày trước, có thời điểm giá vàng thế giới leo lên tới 1.981 USD/ounce khi các nhà đầu tư đổ xô vào vàng như kênh trú ẩn trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia, chính sách nới lỏng kinh tế của nhiều nước, cũng như đồng USD suy yếu…
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 55 triệu đồng/lượng, khá ngang bằng với giá vàng trang sức 24K nhưng lại thấp hơn giá vàng miếng SJC tới gần 3 triệu đồng/lượng.
Theo giới phân tích, giá vàng miếng SJC bị đẩy lên cao hơn giá vàng thế giới là do nguồn cung trong nước hạn chế.
Với mức chênh lệch giá mua - bán đang được các doanh nghiệp áp dụng với vàng miếng SJC từ 1 triệu đồng/lượng, cộng thêm giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng mỗi lượng… nhà đầu tư muốn lướt sóng trong ngắn hạn sẽ gặp nhiều rủi ro.
Trên thị trường ngoại tệ, giá USD ngân hàng tiếp tục ổn định quanh mức 23.090 đồng/USD mua vào, 23.270 đồng/USD bán ra, không đổi so với hôm qua.
Theo T.Phương (Nld.com.vn)