"Nếu mình giúp đỡ họ thì người ta cũng sẽ giúp đỡ lại mình, không chỗ này thì chỗ khác. Chưa kể, nước Anh trong đại dịch khó khăn chồng chất như vậy nhưng vẫn dành tặng hàng triệu liều vắc xin giúp đỡ cho Việt Nam. Đây là lúc Việt Nam đang có sự giúp đỡ trở lại. Tuy bà Thảo là một cá nhân, nhưng tôi nghĩ hỗ trợ này của Sovico cũng là sự hợp tác qua lại giữa hai quốc gia", ông Trần Xuân Nhĩ (Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) chia sẻ.
Mới đây, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ký vào bản ghi nhớ sẽ tài trợ cho trường Linacre College (thuộc ĐH Oxford) 155 triệu bảng Anh, tương đương 4.800 tỷ VNĐ. Linacre là trường nhận được ít tài trợ nhất trong hệ thống Đại học Oxford. Trước khoản tài trợ lớn này, lãnh đạo nhà trường tỏ ra rất vui mừng và tuyên bố sẽ xin đổi tên trường thành "Thao College" sau khi nhận 50 triệu bảng đầu tiên.
Việc bà Thảo có thể sẽ là người Châu Á đầu tiên được một trường học ở châu Âu đặt tên khi còn sống đang trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm.
Trao đổi về vấn đề này, PGS Trần Xuân Nhĩ tỏ ra đồng tình với cách làm của nữ tỷ phú. Ông cho rằng: Hiện tại, hai bên mới ký biên bản ghi nhớ, chưa chính thức tài trợ. "Tuy nhiên, nếu biên bản ghi nhớ hợp tác này trở thành sự thực thì cũng là điều rất tốt".
Cũng giống như nhiều nước khác đã tài trợ vào Việt Nam, xây dựng nên các trường ĐH, THPT theo mô hình hợp tác Việt - Nhật, Việt - Đức... nếu bà Thảo muốn phát huy sức ảnh hưởng của mình và thấy có đủ khả năng thì hoàn toàn cũng có thể làm như vậy. Chuyện tài trợ này là một việc làm tùy khả năng.
Hơn nữa, trong khoản tài trợ lớn này vẫn có một khoản (7,5 triệu USD) là dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực. Như vậy, nó cũng góp một phần giúp người Việt dễ tiếp cận một môi trường học tập tốt hơn và những người này có thể sẽ gắn bó với đơn vị tài trợ là Sovico. Đây cũng là một chuyện tốt. Vì nếu bà Thảo chỉ đem tiền đi tài trợ chung chung, không có mục đích gì thì cũng được thôi. Nhưng mà bà vẫn có một phần cụ thể dành cho người Việt".
Lan tỏa ảnh hưởng của Việt Nam là điều nên làm
Trước thắc mắc của nhiều người về việc vì sao bà Thảo không dùng số tiền rất lớn đó tài trợ cho các trường ĐH, CĐ ở trong nước, ông Nhĩ nói: "Có thể là vì theo đánh giá của bà Thảo, các trường Đại học Cao đẳng trong nước chưa có nơi nào tiếp nhận hiệu quả khoản tài trợ lớn".
Vị chuyên gia này cho rằng, giao lưu, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới đang ngày các phát triển, việc chú trọng lan tỏa sức ảnh hưởng của một đất nước ra toàn cầu là điều rất đáng làm. "Nếu có một người Việt đứng ra tài trợ như vậy thì nó cũng góp vào sự lan tỏa tốt cho hình ảnh quốc gia. Đầu tiên chuyện này có lợi cho cá nhân bà Thảo, sau đó là Việt Nam, giúp hình ảnh nước ta được đậm nét hơn, đích cuối cùng chính là ảnh hưởng và hợp tác qua lại giữa hai nước Việt - Anh.
Cũng không nên lúc nào cũng chỉ bo bo nghĩ chuyện trong nước, cho rằng giáo dục nước mình còn kém hơn, kinh tế nghèo hơn thì việc gì phải giúp nước họ. Nhưng vì sao ngay như Campuchia, trong lúc dịch bệnh khó khăn như thế họ vẫn giúp Việt Nam 250.000 liều vắc-xin, mặc dù đấy cũng đâu phải nước giàu có?
Hoặc ngay như Việt Nam đang bị Covid-19 khó khăn như vậy, nhưng chúng ta vẫn viện trợ cho các nước khác, kể cả Mỹ. Đó là chuyện đương nhiên cần làm. Cho nên việc này cũng không có vấn đề gì. Đôi khi lo cho nước ngoài, thương hiệu của nước mình nổi lên thì ngược lại người ta cũng sẽ giúp đỡ Việt Nam, không chỗ này thì là chỗ khác thôi.
Chưa kể nước Anh trong đại dịch khó khăn như vậy cũng đã dành hàng triệu liều vắc xin giúp đỡ cho Việt Nam. Lúc này Việt Nam đang có sự giúp đỡ trở lại. Tuy bà Thảo là một cá nhân, nhưng tôi nghĩ đây cũng là sự hợp tác qua lại giữa hai quốc gia".
Trước ý kiến của một số người cho rằng, thủ tục để các trường ĐH, CĐ trong nước nhận hỗ trợ còn khá phức tạp, mất nhiều thời gian, ông Nhĩ nói: "Chuyện đó tôi không thể khẳng định. Nhưng cũng có thể định kiến như vậy đã khiến một số người e ngại".
Theo Thu Hường (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)