Ba năm trở lại đây, với tinh thần duy trì phong tục truyền thống nhưng theo cách mới, nhiều ví điện tử tích cực kêu gọi người dùng lì xì online cho nhau. Tết Tân Sửu năm nay, mùa lì xì trực tuyến bắt đầu khá sớm.
SmartPay - ví điện tử non trẻ với 3,7 triệu người dùng cho biết, đã triển khai chương trình lì xì ngay từ tháng 1 và sẽ kéo dài đến hết 21/2. Với mỗi lượt chuyển tiền lì xì, người dùng ví này sẽ tích lũy một "mã lộc vàng" để quay số may mắn nhận quà.
Trong khi đó, MoMo khởi động mùa Lắc Xì thứ ba vào 28/1 và kéo dài đến 5/3. Theo đó, mỗi ngày người dùng có lượt lắc điện thoại để nhận quà, là các voucher khuyến mại hoặc vật phẩm trò chơi để lãnh giải chung cuộc. Muốn có thêm lượt lắc, người dùng cần làm các nhiệm vụ như lì xì online cho nhau.
Nhiều ví điện tử khác như ViettelPay và AirPay sẽ bắt đầu triển khai chương trình từ 4/2. Với ViettelPay, mỗi người dùng sở hữu một mã QR để lì xì nhóm hay lựa chọn cơ bản là chia đều tiền cho nhau hoặc ngẫu nhiên. Còn người dùng ứng dụng Shopee có liên kết ví AirPay thực hiện thao tác chuyển tiền sẽ có cơ hội hoàn Shopee xu (loại điểm thưởng của nền tảng) và các quà thưởng.
Tung ra 2 tỷ đồng quà tặng, ông Lù Duy Nguyên, Giám đốc Sản phẩm của SmartPay cho biết, chương trình là cách mà ví này tri ân đến người dùng của mình. Nói khác, đây là một cách để duy trì khách hàng trung thành.
Trong khi đó, tổng giải thưởng mà MoMo dành cho người dùng chơi Lắc Xì năm nay đến 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi ích mà ví này nhận được cũng có thể không nhỏ. Bằng cách dùng voucher giảm giá làm phần thưởng mỗi lượt lắc điện thoại, đây là cách để đối tác của ví có thể tiếp cận hàng chục triệu người dùng mà không cần đầu tư quá nhiều chi phí để quảng bá, tiếp thị - vốn khá đắt đỏ dịp Tết.
"Đây là cơ hội giúp hàng chục nghìn đối tác, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận 23 triệu người dùng năng động khi liên tục xuất hiện, quảng bá thương hiệu và tương tác với người chơi", ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập, Phó chủ tịch Ví MoMo nói.
AirPay cũng có cùng mục đích tương tự. Vốn gắn chặt với hệ sinh thái của Shopee, chương trình lì xì của họ nhằm kích thích nhu cầu mua sắm, tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử này.
Ông Trương Văn Quý, Giám đốc EQVN, một đơn vị đào tạo về tiếp thị trực tuyến nhận định, các ví điện tử vận động người dùng lì xì online vì hai lợi ích chính. "Thứ nhất, phát triển được lượng người dùng mới. Thứ hai, về thực chất là một hình thức khuyến mại kết hợp giữa ví điện tử và nhà bán lẻ", ông quý nói.
Một lý do khác của cuộc đua lì xì online là động lực từ chủ trương hạn chế dùng tiền mặt, tiền lẻ trong dịp Tết của Chính Phủ. Ưu điểm của nó càng được đề cao khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp ngay trong mùa Tết, đòi hỏi việc nên hạn chế tập trung đông người và sử dụng tiền mặt.
Thậm chí, mới đây Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) còn kêu gọi người dân nước này coi lì xì điện tử như một "trạng thái bình thường mới" trong mùa dịch. MAS kỳ vọng việc này có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 khi không khuyến khích tập trung đông người dịp Tết, cũng như tốt cho môi trường vì giảm in tiền mới.
Ông Quý cho rằng, đây cũng là hướng tích cực. Tuy nhiên, ở Việt Nam, để hình thức này thay thế được phần lớn thói quen lì xì truyền thống bằng tiền lẻ, mới thì cần thêm một thời gian dài.
Bởi phong trào lì xì online mới ở giai đoạn phổ biến trong những người dùng trẻ, còn người có nhu cầu lì xì cao thì chưa dùng nhiều ví điện tử. Ngoài ra, rào cản của xu hướng này còn ở khía cạnh tâm lý.
"Lì xì online hiện ở mức dùng để vui một chút cũng hay, kích thích thói quen không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, với một số người, tiền bạc vừa tế nhị, vừa quan trọng thì bao lì xì truyền thống khiến người nhận không biết số tiền bên trong nên có thể dùng nơi đông người, trong xã giao. Còn với việc nhận trực tuyến, với ai coi trọng số tiền, họ sẽ không vui lắm khi biết ngay số tiền lúc vừa nhận", ông Quý nói.
Trào lưu lì xì trực tuyến xuất phát từ Trung Quốc, cũng là thị trường ví điện tử phát triển sớm và mạnh nhất khu vực. Hồng bao ảo (virtual hongbao) lần đầu được WeChat của Tencent giới thiệu năm 2014 tại sự kiện Gala Lễ hội mùa xuân của CCTV.
Ngay sau đó, Alipay của Alibaba tung ra hàng triệu USD tiền mặt và phiếu quà tặng (voucher) thông qua các trò chơi, để khuyến khích người dùng tham gia kiếm lì xì. Cuộc đua càng gay gắt khi Tencent kết hợp lì xì tiền đi kèm với tặng vàng, cùng các tính năng ưu đãi khác.
Bằng cách số hóa một phong tục truyền thống là lì xì dịp Tết, người Trung Quốc từ đó dần nhanh chóng cảm thấy thoải mái với việc dùng ví điện tử. Theo số liệu của Statista, khoảng 823 triệu người đã nhận hoặc gửi lì xì trực tuyến qua WeChat ở Trung Quốc trong dịp Tết 2019. Cùng năm đó, 450 triệu người tham gia minigame liên quan đến lì xì của Alipay để có cơ hội nhận được phần 500 triệu nhân dân tệ.
Theo Viễn Thông (VnExpress.net)