Trăm hoa đua nở
Với khuyến mại tặng 100 nghìn đồng cho lần thanh toán đầu tiên khi sử dụng ví điện tử, anh Hoàng Anh Tùng (Hà Nội) đã cài ứng dụng trên điện thoại di động. Sau lần thanh toán tiền điện được giảm 100 nghìn đồng đó, anh Tùng quên luôn ví điện tử này để đổi sang ví khác có khuyến mại. Cứ như thế, trong điện thoại của anh Tùng có tới gần 10 ví điện tử.
Anh Tùng cho hay: “Người tiêu dùng chỉ cài ví điện tử khi có khuyến mại, còn thực tế dùng thường xuyên chỉ vài ứng dụng. Một số ví điện tử chỉ dùng cho sản phẩm chuyên biệt tôi sử dụng chỉ vì có khuyến mại tốt hơn tiền mặt”.
Nhận xét về các ví điện tử, anh Tùng cho rằng, quá nhiều loại ví điện tử ra đời nhưng mức độ tiện lợi thì chưa nhiều. Người dùng bị ép sử dụng ví điện tử nếu muốn sử dụng dịch vụ của ứng dụng. Đơn cử như nếu muốn mua sắm trên một số ứng dụng thương mại điện tử, người mua bắt buộc phải cài ví điện tử có liên kết nếu không sẽ không thể thực hiện được thanh toán.
Bên cạnh đó, theo anh Tùng, cuộc cạnh tranh giữa các ví điện tử ngày càng nhiều chính vì thế xuất hiện tại các cửa hàng có tới hàng chục biển mã vạch để quét khiến người dùng “hoa mắt”.
Tương tự, chị Mai Thu Giang (Ba Đình, Hà Nội) cũng phàn nàn về việc quá nhiều ví điện tử nhưng mỗi ví lại chỉ có một vài ưu điểm để thanh toán. Mỗi ví điện tử có những chương trình khuyến mãi riêng, sử dụng thanh toán mỗi dịch vụ khác nhau,... nên muốn tận dụng tối đa thì phải cài nhiều app.
“Tôi dùng Moca để sử dụng dịch vụ xe công nghệ Grab, đặt thức ăn; ví MoMo để xem phim và trả tiền điện. Airpay để mua trên mạng. Nếu một ví có thể sử dụng cho tất cả các dịch vụ thì tiện”, chị cho hay.
Hiện, thị trường có khoảng trên 30 công ty hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó cung cấp 28 ví điện tử. Hình ảnh các ví điện tử hiện nay thường gắn với các chương trình chiết khấu như giảm giá 30%, hoàn tiền 10%, tích thêm điểm thưởng.
“Không thể phủ nhận, các chiến dịch khuyến mãi rầm rộ luôn tỏ ra hiệu quả trong việc thu hút người dùng của các ví điện tử. Hầu như mỗi ngày, với bất cứ giao dịch nào, các ví điện tử đều có “cớ” để hoàn tiền hay giảm giá cho người dùng, từ vài đến vài chục phần trăm giá trị thanh toán. Nếu không có chiết khấu, người dùng cũng được cộng điểm giao dịch để hưởng nhiều ưu đãi về sau”, đại diện đơn vị nghiên cứu cho hay.
Trong tháng 6/2020, một ví điện tử đưa ra chương trình ưu đãi cho người dùng lần đầu kích hoạt, nhận ngay gói ưu đãi hơn 300 nghìn đồng. Ngay lập tức, một ví khách tung ra tuần lễ vàng khi giới thiệu thành công 1 khách hàng mới sử dụng ví, đối tác sẽ nhận ngay 100 nghìn đồng tiền vào ví. Người được bạn giới thiệu cũng nhận gói quà 500 nghìn đồng.
Ngoài ra, hàng loạt ví khác áp dụng khuyến mãi giảm giá trực tiếp, tặng thêm món ăn, thức uống tại các điểm giao dịch, giảm giá khi nạp thẻ điện thoại, thanh toán điện nước, mua vé xem phim,... Và lượng người dùng tăng vọt sau mỗi đợt hoàn tiền, tặng quà.
Âm thầm gỡ bỏ ứng dụng
Đa phần khách hàng thừa nhận, các loại ví điện tử đều na ná nhau, chủ yếu dùng để thanh toán hóa đơn điện, nước, cước điện thoại, Internet, truyền hình cáp, mua vé xem phim, thẻ cào, thẻ game,...
Số lượng các giao dịch này rất thấp, mỗi tháng chỉ một vài lần, số tiền thanh toán rất ít. Chạy đua khuyến mãi để chiều lòng khách hàng dẫn tới hậu quả khi không còn ưu đãi, người dùng sẽ âm thầm gỡ bỏ ứng dụng.
Kết quả khảo sát mới đây của Cimigo chỉ ra 6 yếu tố chính tác động đến quyết định lựa chọn thương hiệu ví điện tử của người dùng: Giao diện thân thiện, dễ sử dụng; Có chương trình khuyến mãi đa dạng, thường xuyên; An toàn và bảo mật; Liên kết với nhiều ngân hàng khác nhau; Được chấp nhận thanh toán tại quầy ở nhiều nơi; Đa dạng về các loại dịch vụ thanh toán.
Theo báo cáo của J.P.Morgan, 19% giá trị giao dịch thương mại điện tử được thực hiện qua ví điện tử tại Việt Nam. Con số này ngang với thanh toán bằng tiền mặt, xếp sau thanh toán qua thẻ (34%) và chuyển khoản ngân hàng (22%).
Thị trường ví điện tử Việt Nam tương đối phân mảnh, và không có một, hai cái tên nào áp đảo hoàn toàn phần còn lại. Các ví điện tử cũng phải giành giật từng chút thị trường. Mỗi ví điện tử lại có một mã QR code khác nhau dẫn tới không thể thanh toán chéo, gây khó cho người dùng và cả đơn vị thanh toán.
Ông Trần Văn Trọng - Chánh Văn Phòng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), cho biết, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đang quá nhiều, nhưng lại không đồng bộ với nhau dẫn tới lãng phí trong việc mở rộng thị trường và bối rối cho người sử dụng lựa chọn kênh thanh toán. Do đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán nên tích hợp đồng bộ với nhau để tiết kiệm nguồn lực phủ thị trường về dịch vụ.
Để thu hút người dùng, Giám đốc Ngân hàng số BIDV Nguyễn Chiến Thắng nhận định: “Chúng ta cần có những hệ thống chuyển mạch QR để một ngân hàng hay đơn vị thanh toán có thể thanh toán trên bất kì QR nào trên thị trường. Trước đây khi không hợp tác, có thể miếng bánh rời rạc, mỗi đơn vị phát triển 1 phần. Nhưng khi hợp tác chặt chẽ thì miếng bánh có thể lớn lên gấp nhiều lần, số chia tương đối giảm đi, số tuyệt đối lại tăng lên rất nhiều”.
Trong khi các ví còn đang cạnh tranh nhau thì cuộc đua giành thị phần vẫn tiếp tục nóng sau khi các đại gia lớn đổ tiền. Thị trường Việt Nam đang chứng kiến hai xu hướng phát triển của các ví điện tử: Một là, sáp nhập vào một hệ sinh thái lớn hơn. Hai là, tự phát triển hệ sinh thái cho riêng mình.
"Cuộc chiến" của các ví điện tử hiện nay có thể so sánh với cuộc chơi thương mại điện tử tại Việt Nam cách đây vài năm. Xét về đường dài, tài chính mạnh và hệ sinh thái thanh toán tốt mới chính là yếu tố giúp các ví điện tử lên ngôi.
Theo Duy Anh (VietNamNet)