VEPR: Thuế môi trường tăng 1.000 đồng, lạm phát thêm 1,6%

11/10/2018 09:56:57

Giá nhiên liệu, nhất là xăng dầu tiếp tục tăng cao sẽ là yếu tố bất lợi cho lạm phát năm 2019.

Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đánh giá, lạm phát năm 2018 có thể kiểm soát dưới 4%, nếu không có cú sốc lớn về giá năng lượng trong quý IV. Giá xăng dầu nếu tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hoá cuối năm và lan sang cả năm sau. "Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây", ông Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR nhận xét. 

Lo lắng về sức ép lạm phát năm 2019, ông Nguyễn Đức Thành góp ý, thay vì đặt ra những mục tiêu chưa được tính toán kỹ, Chính phủ cần có những biện pháp mạnh để kiềm chế rủi ro lạm phát tăng cao. Ngân hàng Nhà nước cần rất thận trọng trong điều tiết cung tiền và tín dụng, nếu không muốn lạm phát vượt tầm kiểm soát.

Quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thêm 1.000 đồng mỗi lít từ 1/1/2019, theo Viện trưởng VEPR, có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong một năm tới. 

VEPR: Thuế môi trường tăng 1.000 đồng, lạm phát thêm 1,6%
Nhân viên một cây xăng chốt số lượng hàng bán trong ngày. Ảnh: Ngọc Thành

Trước đó, theo báo cáo đánh giá tác động về tăng thuế môi trường với xăng, dầu được Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ gửi tới Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tăng sắc thuế này sẽ chỉ khiến lạm phát 2019 tăng 0,07 - 0,09%.

Bình luận về con số trong báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài chính, Tiến sĩ Phạm Thế Anh  - chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, "quá thấp, thiếu chính xác". Theo ông, đánh thuế vào xăng dầu còn ảnh hưởng đến nguyên vật liệu, tăng chi phí sản xuất, ảnh hưởng tới giá hàng hóa, tiêu dùng của hộ gia đình và doanh nghiệp. "Thuế với mặt hàng xăng dầu sẽ tác động đến cả tiêu dùng hộ gia đình và doanh nghiệp", Tiến sĩ Thế Anh lưu ý.

Chia sẻ trước đó, Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng, xăng dầu là một mặt hàng vật tư chiến lược với nền kinh tế, ảnh hưởng tới sản xuất, tiêu dùng, an ninh quốc phòng... nên tăng thuế sẽ tác động không nhỏ đến chi phí đầu vào mọi ngành. Trong bối cảnh năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, thu nhập của người Việt chỉ ở mức trung bình thấp thì điều này càng bất hợp lý.

Không dưới hai lần trong năm nay, đề xuất tăng kịch khung thuế môi trường với xăng, dầu được Bộ Tài chính đưa ra với lý do “Việt Nam đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh, thu từ thuế môi trường với xăng dầu là một nguồn để bù đắp lại thu ngân sách”. Tuy nhiên, ý tưởng này sau đó đã không được cơ quan thường trực Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 7 do lo ngại tác động tới mặt bằng giá, ổn định kinh tế vĩ mô; cũng như đánh giá tác động của cơ quan quản lý chưa đầy đủ.

Tại kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9 vừa kết thúc, một lần nữa đề xuất này được đưa vào, bổ sung trong ngày họp cuối cùng, sau khi Chính phủ hoàn tất báo cáo đánh giá tác động bổ sung và gửi tới các cơ quan thẩm tra của Quốc hội cách đó 2 ngày.

Thống kê của Chính phủ cũng cho thấy, chi ngân sách Nhà nước để bảo vệ môi trường luôn cao hơn số thuế bảo vệ môi trường thu được. Giai đoạn 2012 – 2017 tổng chi ngân sách cho bảo vệ môi trường khoảng 158.008 tỷ đồng, trong khi số thu thuế môi trường chỉ 150.810 tỷ.

Theo Anh Minh (VnExpress.net)

Nổi bật