Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã nêu cảnh báo này tại buổi công bố báo cáo kinh tế quý 3 sáng 10/10.
Nhắc tới thông tin hình thức cho vay trực tuyến lãi cắt cổ tới 700%/một năm thời gian gần đây, ông Hiếu cho rằng, đây là một hình thức cho vay ngang hàng (P2P). Nếu như truyền thống, người có nhu cầu vay tiền sẽ tới ngân hàng thì hiện tại, công nghệ thông tin sẽ kết nối người có tiền và người cần vay tiền. Điều này theo ông lý giải giống như dịch vụ Uber và Grab trong giao thông.
Điều này mặc dù đã có ở các nước khác khoảng 5 năm nay nhưng với Việt Nam, đây là việc mới được nhắc tới nhiều trong năm nay. Điều này cũng đồng nghĩa hiện có khoảng trống về vấn đề trên vì chưa có các quy định pháp luật tương ứng.
“Tôi tới ngân hàng, công ty tài chính vay thì được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng nhưng vay một người nào đó được giới thiệu qua dịch vụ vay ngang hàng thì chưa có luật quy định”, vị chuyên gia nói.
Ông cũng nhắc tới việc, các giao dịch dân sự thì được quy định tại Luật Dân sự. Tuy nhiên, vấn đề là ngay cả Luật Dân sự hiện cũng bỏ ngỏ về nội dung này.
Việc cho vay ngang hàng theo ông là không thể cấm. Quy định chỉ có thể cấm với hành vi một người dùng thủ đoạn đòi nợ để chiếm đoạt tài sản. Ngược lại, việc thỏa thuận vay giữa hai người, lãi suất không chỉ vài chục phần trăm, có khi 100% thì cũng không có quy định cụ thể.
“Tôi chưa thấy vụ nào được đưa ra tòa vì cho vay nặng lãi”, ông bày tỏ.
Tuy nhiên, vị này cảnh báo, vấn đề cần làm ngay hiện tại là đưa cá nhân cho vay vào khuôn khổ vì thực tế đã chứng kiến không ít người bị nhóm xã hội đen thu hồi nợ phi pháp hay tình trạng “vỡ nợ”. Điều này tạo ra hệ lụy xấu trong xã hội.
Quan trong nhất, theo ông là Chính phủ, Quốc hội cần có quy định tạm thời trước khi sửa Luật về vấn đề này. Ví dụ như: vay giữa các cá nhân thì lãi suất bao nhiêu, phương pháp trả nợ ra sao, cách thu hồi nợ như thế nào.
Ông cũng nhắc tới việc mới đây Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng rằng cơ quan này không chịu trách nhiệm vấn đề vay cắt cổ trên mạng. Ông cho rằng, cần phải tính tới một cơ quan quản lý việc cho vay ngang hàng, có thể là Bộ Tài chính, Công Thương hoặc một cơ quan nào đó.
Theo Phương Linh (Dân Việt)