Vay tiền qua app, cô gái đôi mươi tự tử để lại thư tuyệt mệnh

17/11/2020 14:22:00

Trên thực tế đã có nhiều người sập bẫy tín dụng đen. Có nạn nhân ban đầu chỉ vay 8 triệu đồng, sau 3 tháng số tiền nợ lên tới hơn 200 triệu đồng. Không thể trả nợ được, người vay phải lao xuống sông tự vẫn.

Bị dồn đến chân tường, không lối thoát

Tai họa ập xuống gia đình bà Trương Thị Ngọc Bích ở TP. Biên Hòa (Đồng Nai) vào một ngày cuối tháng 3/2020, khi phát hiện cô con gái duy nhất, mới 23 tuổi, tự tử tại phòng ngủ. Trong bức thư tuyệt mệnh để lại, cô gái có đề cập đến việc vay tín dụng đen qua app trên mạng Internet. Cô đã mắc nợ rất nhiều, trong đó có hơn 10 cái app cho vay tiền. Không có khả năng trả nợ, cô bị đe dọa liên tục nên phải tìm đến cái chết để được giải thoát.

Điều tàn nhẫn là sau khi con gái qua đời, bà Bích vẫn liên tục bị các app gọi điện khủng bố, yêu cầu trả nợ. Mỗi ngày đến gần trăm cuộc điện thoại, chửi bới, hù dọa, lăng mạ,...

Thủ tục đơn giản, không cần thế chấp, chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân, gia đình, người thân,... là có “tiền tươi thóc thật”, dường như tín dụng đen đã trở thành vị “cứu tinh” cho những ai đang gặp khó khăn về tài chính. Lãi suất vay, qua giới thiệu cũng thấy dễ chấp nhận, bởi luôn dưới mức 20%/năm, đúng theo quy định của luật pháp. Thậm chí bên cho vay quả quyết rằng, họ làm này xuất phát từ ý tưởng muốn giúp đỡ mọi người, đặc biệt là giúp đỡ những ai đang khó khăn hoặc muốn khởi nghiệp.

Vay tiền qua app, cô gái đôi mươi tự tử để lại thư tuyệt mệnh
Khi dính vào tín dụng đen, bọn chúng có đủ chiêu trò khủng bố tinh thần người vay. Nhiều người không có tiền trả nợ đúng hạn phải nhận cái kết thương tâm

Tuy nhiên, khi đã vay là sập bẫy. Đặc điểm của tín dụng đen là cho vay số tiền nhỏ, thời gian ngắn tầm 1 tuần. Thực tế người vay chỉ nhận được 2/3 số tiền trên hợp đồng, 1/3 còn lại bị trừ tiền lãi và phí các loại, do bên cho vay tự đặt ra. Hết 1 tuần, nếu người vay không trả được nợ thì nhân viên sẽ đòi, không có tiền sẽ giới thiệu đến nhóm cho vay nặng lãi khác hoặc các app mới trên mạng để vay của người sau trả cho người trước. Cứ như vậy, số nợ ngày càng tăng lên và con nợ sẽ bị dồn đến đường cùng.

Thủ đoạn đòi nợ rất tàn khốc, từ dọa nạt, bắt cóc, đánh đập con nợ, đến cưỡng đoạt nhà cửa, đất đai, xe cộ. Có người đã gieo mình xuống sống để tự vẫn, được cứu vớt đưa vào viện, chúng vẫn không buông tha.

Chị Nguyễn Ngọc Trinh, TP. Nha Trang, Khánh Hòa có vay tiền của một nhóm tín dụng đen, cả gốc và lãi lên tới 570 triệu đồng. Bị yêu cầu phải trả trong 20 ngày, mỗi ngày 28,5 triệu đồng. Chị Trinh không có khả năng trả nợ. Bọn cho vay tìm gặp chị, chửi bới và đe dọa, sau đó lấy xe máy của chị. Chúng yêu cầu chị Trinh phải mang tiền đến trả thì mới cho nhận lại xe.

Vì không có tiền trả nợ, quá lo sợ nên chị Trinh đã nhảy xuống sông tự tử. May mắn, nạn nhân được người dân phát hiện kịp thời cứu vớt và đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu điều trị. Không thấy chị Trinh đến trả nợ, nhóm cho vay đã tới nhà đe dọa, ép buộc người chồng phải trả nợ thay cho vợ. Khi biết chị Trinh đang điều trị tại Bệnh viện, bọn chúng tiếp tục đến đây đe dọa, buộc trả nợ. Không chịu nổi, gia đình chị đã báo công an để can thiệp.

Trên thực tế, có nhiều người dính bẫy tín dụng đen với số tiền nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, dù ban đầu chỉ vay có mấy triệu đồng. Có nạn nhân ban đầu chỉ vay 8 triệu đồng của một app cho vay tiền trên mạng, đến hạn không có tiền trả thì nhân viên giới thiệu vay app khác để trả nợ. Sau 3 tháng đã phải vay tới 64 app với số tiền nợ lên tới hơn 200 triệu đồng. Không thể trả nợ được phải lao xuống sông tự vẫn.

Tội phạm kinh tế

Ước tính, cả nước có hơn 10.000 cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động tín dụng đen dưới các hình thức hụi, họ, đa cấp tài chính, tiền ảo. Hoạt động “tín dụng đen” len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, khống chế, gây sức ép đối với các con nợ và người thân của họ. Nhiều nạn nhân còn được gợi ý bán thận, bán máu, bán trứng, bán tinh trùng... để lấy tiền trả nợ.

Vay tiền qua app, cô gái đôi mươi tự tử để lại thư tuyệt mệnh - 1
Tín dụng đen len lỏi khắp các hang cùng ngõ hẻm, thậm chí cả vùng sâu vùng xa

Tại TP.HCM, vừa qua công an triệt phá tổ chức cho vay nặng lãi do người Trung Quốc cầm đầu. Chúng cho khoảng 60.000 người vay, với số tiền 15 tỷ đồng nhưng thu lợi bất chính tới 40 tỷ đồng.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nguyên giám đốc chiến lược Ngân hàng bang Vaud (Thụy Sỹ), tín dụng đen cho vay không cần tài sản thế chấp, vì vậy tiềm ẩn rủi ro lớn khi người vay không thể trả nợ.

Do hoạt động không theo một quy định cụ thể nào, không chịu sự quản lý và kiểm soát của cơ quan nhà nước, khi xảy ra rủi ro, thì các tổ chức tín dụng đen tự xử lý một cách tùy tiện, trái pháp luật. Đòi nợ bằng các hình thức như khủng bố về tinh thần, sức khỏe, đe dọa cả tính mạng, chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp... gây bất ổn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Thực tế cho thấy, tín dụng đen luôn hấp dẫn đối với những đối tượng tội phạm kinh tế.

Để hạn chế hoạt động của tín dụng đen, đầu tiên cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức tài chính tín dụng cho người dân, cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra.

Ông Kim cho rằng cần soạn lại luật tín dụng, áp dụng cho bất cứ tổ chức nào cho vay cho mượn, với tín dụng đen hoạt động bất hợp pháp phải có chế tài rõ ràng và đủ sức nặng răn đe. Hoàn thiện thể chế, để khuyến khích các tổ chức tín dụng hoạt động trên lãnh vực thẻ tín dụng, cho vay online, vay ngang hàng,... Đồng thời, sửa lại luật phá sản, áp dụng cho cả cá nhân. Phát huy vai trò bảo lãnh tín chấp của các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp cấp cơ sở, trong việc cho vay và thu hồi vốn.

Nói chung, cần phát triển những cơ sở tài chính chính thức với thủ tục cho vay đơn giản nhanh gọn và lãi suất hợp lý, để chiếm chỗ làm ăn, đẩy lùi những cá nhân hay tổ chức hoạt động bên lề pháp luật như tín dụng đen, ông Kim nói.

Theo Trần Thủy (VietNamNet)