Tín dụng đen "phủ sóng" từng ngõ ngách
Đường vào ngõ 534, đường Lê Trọng Tấn, Hà Đông chi chít những tờ giấy thông báo cho vay tiền “siêu nhanh – siêu rẻ- siêu tiện lợi”, không cần thế chấp. Đây là cảnh tượng không hiếm gặp ở khắp các con ngõ ở Hà Nội. Tại ngõ 534 này, người dân và tổ dân phố thường tổ chức những đợt tẩy xóa, bóc dỡ các tờ rơi quảng cáo này.
Thế nhưng, chỉ vài ngày sau, hai bên tường, cột điện lại được dán đầy những bài quảng cáo như thế. Những hình thức “tín dụng đen” này len lỏi vào các ngõ ngách, khiến không ít người khuynh gia bại sản vì mắc kẹt trong những khoản lãi ban đầu được quảng cáo là “nhanh –rẻ”.
Sự nở rộ của “tín dụng đen” cũng làm nhiều người bỗng dưng bị truy đòi nợ. Đến giờ, anh Nguyễn Văn Cung (Long Biên, Hà Nội) vẫn không quên cảm giác ngỡ ngàng khi thấy những người bạn nhắn tin cho anh đường link một trang fanpage cùng những tấm ảnh của anh xuất hiện dày đặc với nội dung bị đòi nợ. Nhiều tin nhắn từ một công ty tài chính gửi đến điện thoại và messenger yêu cầu anh phải thanh toán số tiền vay. Trong khi đó, anh Cung cam đoan không hề vay tiền của bất cứ ai và bất cứ tổ chức nào.
“Họ còn gửi thông báo đòi nợ đến tất cả bạn bè trong danh sách của tôi khiến cuộc sống của tôi bỗng chốc bị đảo lộn, bạn bè thắc mắc làm tôi không biết trả lời thế nào vì thực sự tôi không hề vay họ”, anh Cung bức xúc.
Việc thẩm định vay kiểu “cho có”của những đơn vị cho vay ấy đã khiến nhiều người lâm cảnh “khóc dở mếu dở” như anh Cung.
Chính phủ, Bộ Công an cũng đã có nhiều biện pháp để trấn áp loại hình tội phạm này. Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2020 vừa gửi Quốc hội cũng đã dành không ít con số để nói về “nạn” tín dụng đen với nhiều biện pháp trấn áp mạnh tội phạm này, tạo được chuyển biến tích cực.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm đã khởi tố 513 vụ, 815 bị can về các tội danh liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, bảo kê, đòi nợ thuê; trong đó đã khởi tố 243 vụ, 528 bị can về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự).
Lãi suất 1.400%/năm
Theo Báo cáo của Bộ Công an về kết quả thực hiện sau 1 năm Thủ tướng ban hành chỉ thị 12 về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, hoạt động tín dụng đen không còn lộng hành, công khai, nhưng các đường dây tín dụng đen vẫn lách luật hoạt động và gây ra nhiều vụ việc phức tạp.
Ngoài hoạt động cho vay nặng lãi truyền thống, theo Bộ Công an, hoạt động cho vay trực tuyến có sự tham gia của người nước ngoài sử dụng website, ứng dụng điện thoại di động (app) để tiếp cận, quảng cáo cho vay tài chính đến người dân với thủ tục đơn giản như chỉ cần cung cấp ảnh, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc giấy phép lái xe và sổ hộ khẩu với số tài khoản ngân hàng. Số tiền vay có thể từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Các đối tượng quy định biến tướng về lãi suất bằng cách thu các khoản phí dịch vụ, nếu cộng cả tiền lãi suất và phí, có thể lên đến 1.400%/năm.
Đơn cử, ngày 1/11/2019, Bộ Công an thông tin, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP.HCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TP.HCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua phá án, phát hiện các đối tượng cho vay với lãi suất 4,4%/ngày tương đương 1.600%/năm
Ở vụ việc trên, các đối tượng người Trung Quốc lập công ty tài chính, thuê người Việt Nam đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra ứng dụng (app) để cho vay tiền trực tuyến, điển hình như ứng dụng “Vaytocdo”, “Moreloan”, “VD online”. Khi khách có nhu cầu vay tiền thì phải tải một trong ba ứng dụng trên về máy điện thoại di động của mình.
Cơ quan Công an xác định từ tháng 4/2019 đến khi bị phát hiện, ngăn chặn, xử lý, đã có khoảng 60.000 giao dịch vay tiền qua 3 ứng dụng nói trên; với tổng số tiền các đối tượng cho vay vào khoảng 100 tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng điểm mặt những hạn chế của hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending) được du nhập vào Việt Nam gần đây. Hiện có khoảng 100 công ty hoạt động vay ngang hàng.
Các công ty này hoạt động không đúng bản chất là trung gian kết nối giữa người có nhu cầu vay với người có nhu cầu cho vay (không tham gia vào mối quan hệ vay nợ), mà cấu kết với các cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính bán dữ liệu, thông tin cá nhân của những người vay để quảng cáo, môi giới,... theo hình thức cho vay nặng lãi truyền thống hoặc chính các chủ sở hữu công ty này đồng thời là chủ cơ sở cầm đồ, kinh doanh tài chính.
“Một số ứng dụng cho vay ngang hàng còn lách lãi suất bằng cách thu thêm các khoản phí dịch vụ, lãi suất cộng phí có thể lên đến 700%/năm. Hoạt động cho vay ngang hàng ở Việt Nam đến nay chưa có quy định pháp luật để quản lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi phần lớn là do người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) điều hành, không đặt máy chủ ở Việt Nam.
Thống kê của Bộ Công an cho thấy, từ 15/4/2019 đến 15/4/2020, Bộ đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến tín dụng đen; khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can, xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng; ra quyết định không khởi tố vụ án 137 vụ, 173 đối tượng, đang xác minh 143 vụ, 191 đối tượng.
Bộ Công an đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp đa dạng hóa tín dụng cho vay nhằm hạn chế tín dụng đen, nhất là khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng Covid-19.
Ngoài ra là một loạt giải pháp khác như phối hợp với các bộ, ngành phát hiện dấu hiệu vi phạm trong các hoạt động cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng. Quản lý chặt việc cấp mở, quản lý tài khoản ngân hàng, hạn chế các tài khoản ảo, tài khoản không chính chủ sử dụng trong hoạt động tín dụng đen. Bổ sung văn bản hướng dẫn quy định của Luật đầu tư về cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Tăng chế tài xử lý hình sự đối với đường dây tín dụng đen phạm tội có tổ chức, chuyên nghiệp.
“Yêu cầu lực lượng chức năng địa phương rà soát, kịp thời ngăn chặn các công ty tài chính, tín dụng, dịch vụ cho vay trực tuyến, vay qua app, các hình thức hụi, họ, biêu, phường, các tổ chức, cá nhân có biểu hiện huy động vốn lãi suất cao, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đầu tư tài chính, tiền ảo”, một trong số các giải pháp được đưa ra.
Một báo cáo khác của Chính phủ về giám sát trong lĩnh vực ngân hàng cho thấy Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Đó là Ban hành kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm hạn chế tín dụng đen. Đồng thời rà soát sửa đổi các quy định về cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống để tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng các sản phẩm, kênh cho vay phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân...
Theo Hà Duy (VietNamNet)