Chị Lan bật mí, hiện tại chị đang có 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng), tuy gửi không được hưởng lãi suất (lãi suất gửi USD là 0%) nhưng chị đã dùng sổ tiết kiệm ngoại tệ này để cầm cố vay tiền đồng tương đương với lãi suất gần 7% một năm. Sau đó, chị lấy số tiền đó đi gửi lại ngân hàng khác có lãi suất huy động gần 8% một năm.
Một số cá nhân lấy sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay tiền đồng, rồi gửi ngược lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất. |
Bởi hiện nay, ông cho rằng các ngân hàng khá cạnh tranh về mức lãi suất cho vay, đặc biệt với những khoản vay được cầm cố, thế chấp bằng sổ tiết kiệm (có tính an toàn cao) thì lãi suất sẽ tương đối mềm. Tuỳ vào chính sách của mỗi ngân hàng, mức lãi cho vay có thể dao động tầm dưới 7% là bình thường. Trong khi đó, ở đầu vào, nhiều ngân hàng đang chạy đua hút vốn nên đã liên tục tăng lãi suất, có nơi lên trên 8% một năm.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM - Nguyễn Hoàng Minh cũng xác nhận, hiện nay đang xuất hiện tình trạng một số cá nhân mang USD gửi ngân hàng với lãi suất 0%, sau đó lấy sổ tiết kiệm ngoại tệ này đi vay tiền đồng với lãi suất khá thấp, tầm 5-6% một năm. Từ số tiền này, người dân lại gửi tiếp vào ngân hàng hưởng lãi suất tiền gửi VND 7-8% một năm.
"Như vậy, họ vừa hưởng chênh lệch tiền đồng trên dưới 2%, lại kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng USD. Tuy nhiên, đây chỉ mới là số ít, chưa thành xu hướng nhưng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM đang theo dõi chặt chẽ tình trạng này để có hướng xử lý phù hợp, tránh để dòng vốn chạy lòng vòng, tạo ra sự tăng trưởng ảo trong tín dụng", ông Minh nói.
Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố cũng cho biết thêm, thanh khoản ngoại tệ của các ngân hàng hiện tại khá ổn định và đang từng bước thực hiện mục tiêu lâu dài chống đôla hoá nhằm đánh vào lợi ích nắm giữ ngoại tệ, kích thích chuyển đổi, theo định hướng mà Ngân hàng Nhà nước đang làm là chuyển quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ giao dịch mua bán.
Theo đó, ông Minh cho biết, từ khi áp dụng chính sách lãi suất USD 0%, tiền gửi ngoại tệ của cá nhân trên địa bàn thành phố giảm liên tục, từ tháng 10 đến tháng 12/2015, huy động USD giảm 2,7%. Và hai tháng đầu năm 2016, huy động ngoại tệ giảm 3,5% (tín dụng ngoại tệ giảm 4,9%).
"Trong số ngoại tệ huy động giảm này thì có đến 60% là chuyển sang nắm giữ tiền đồng để gửi lấy lãi", ông Minh thông tin.