Vay mua nhà ở xã hội: Nguồn vốn vẫn nhỏ giọt

09/11/2018 08:38:06

Ngân hàng Chính sách xã hội hiện đã giải ngân được 310 tỷ đồng cho 1.200 người dân vay mua nhà ở xã hội. Bình quân dư nợ 1 người được vay 260 triệu đồng. Khoảng 700 tỷ còn lại sẽ được giải ngân hết trong năm nay.


Tuy nhiên dù có giải ngân hết số tiền này cũng chỉ như "muối bỏ bể" so với nhu cầu của người dân muốn mua nhà ở xã hội (NOXH).

Vốn ít, nhu cầu nhiều

Từ năm nay tới năm 2020, Chính phủ bố trí được khoảng 2.326 tỷ đồng (riêng năm nay là 1.000 tỷ đồng) cho các đối tượng vay mua NOXH nhưng theo khảo sát của Bộ Xây dựng thì nhu cầu tới năm 2020 đã lên tới 18.000 tỷ đồng.

Tại buổi tọa đàm "Cho vay mua nhà ở xã hội – Hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp” do báo Đại biểu nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức chiều 8/11, các ý kiến đều thống nhất: Khó khăn lớn nhất hiện nay trong triển khai Nghị định 100/2015/NĐ-CP về cho vay ưu đãi mua NOXH chính là việc bố trí vốn.

Vay mua nhà ở xã hội: Nguồn vốn vẫn nhỏ giọt
Dự án nhà ở xã hội Hoàng Gia (Bắc Ninh) bàn giao nhà cho người lao động vào tháng 9 vừa qua. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó TGĐ Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết: Từ nay tới cuối năm, ngân hàng sẽ triển khai giai đoạn nước rút, số vốn còn lại suýt soát 700 tỷ đồng sẽ giải ngân hết trong năm nay.

"Do mới triển khai lần đầu, nhiều vấn đề phát sinh như người vay vốn chưa quen, thủ tục, giấy tờ chưa bảo đảm. Tôi khẳng định, kết quả ban đầu như vậy là phù hợp. Tôi là người trong cuộc, hàng ngày hàng giờ làm thủ tục với đối tượng vay vốn, chúng tôi phấn khởi khi đáp ứng được nhu cầu mong mỏi của những người thu nhập thấp, cán bộ công nhân viên chức", ông Nguyễn Văn Lý nói.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết: Năm 2018, Quảng Nam đã được phân bổ 50 tỷ đồng. Tính đến tháng 10/2018, tỉnh đã giải ngân được hơn 36 tỷ đồng. Như vậy, từ nay đến cuối năm chỉ còn phải giải ngân 13 tỷ đồng nữa.

"Tôi cho rằng, với đà này, chỉ trong vòng một tháng nữa là Quảng Nam có thể kết thúc. Chúng tôi mong muốn được bố trí nguồn vốn vay nhiều hơn nữa", đại biểu Phan Thái Bình nói.

Để tháo gỡ nút thắt, vừa rồi Bộ Xây dựng đã có văn bản, đề xuất Chính phủ bố trí thêm 3.000 tỷ đồng. "Đây là chương trình nhân văn, đòi hỏi nguồn vốn lớn nhưng hiện chưa đáp ứng được. Đó là điều mà chúng tôi trăn trở nhất. Tôi tin tưởng rằng, những khó khăn lớn về nguồn vốn sẽ dần được giải quyết, còn những khó khăn nhỏ, trước sau cũng xử lý được", ông Lý nói.

Đại diện Ngân hàng cũng cho biết mong muốn nhận được sự quan tâm của Quốc hội trong việc phân bổ nguồn vốn ngân sách thực hiện chương trình an sinh xã hội này.

Nhiều cách huy động vốn cho NOXH

Các đại biểu cũng đề xuất một số cách để tăng vốn cho chương trình NOXH như: Các địa phương có nguồn thu tốt thì có thể dành một khoản để chuyển ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội; Có chính sách thực hiện bù lãi suất phù hợp, vừa đảm bảo an toàn, độ mở và độ chắc chắn để ngân hàng thương mại thấy được có lợi ích tham gia thực hiện cho vay NOXH; Lồng ghép chính sách NOXH với các chương trình khác như vốn giảm nghèo, vốn xây dựng nông thôn mới...

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, chính sách phải đi liền với ngân sách. Đầu tiên, phải rà soát lại hệ thống chính sách của chúng ta đối với nhà ở cho NOXH. Chính sách phải gắn liền với thực tiễn đời sống, phải có tính hấp dẫn, thông thoáng, thủ tục phải gọn nhẹ và thuận lợi thì mới có tính thu hút, khả thi.

Bên cạnh đó, muốn có nguồn lực, chúng ta phải xây dựng được đề án, hay nói cách khác là chiến lược nhà ở phải cụ thể và xuất phát từ thực tế. "Tôi đi khảo sát, giám sát ở doanh nghiệp, có những doanh nghiệp cho biết, nếu Chính phủ có mục tiêu, có điều kiện và chủ trương xây nhà hỗ trợ cho công nhân thu nhập thấp bằng nguồn của Nhà nước thì doanh nghiệp có thể đóng góp một phần để thu hút, hỗ trợ cho người lao động hoặc vay hộ cho công nhân với thời hạn dài hơn và thậm chí không có lãi suất", ông Bùi Sỹ Lợi cho hay.

Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 10/2018, cả nước đã hoàn thành 1.189 dự án NOXH với diện tích hơn 3,9 triệu m2, chỉ đạt 30% theo Chiến lược nhà ở quốc gia đến năm 2020. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có khoảng 12,5 triệu m2 cần sự cố gắng hơn nữa.

Theo Hoàng Dương (Báo Tin Tức)

Nổi bật