Mới đây, hình ảnh về những quả vải có kích cỡ lớn, có quả to gần bằng bàn tay người, xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều người bất ngờ. Bởi thông thường, vải thiều chỉ to gần bằng quả trứng gà.
Nhiều người từng ăn loại vải "siêu to khổng lồ" này cho hay, đây là vải trứng, được trồng nhiều ở Hưng Yên.
Loại vải này có giá bán khá cao. Giá của vải trứng thu mua tại vườn rơi vào khoảng 60.000-100.000 đồng/kg. Khi được đưa tới những nơi khác, do mất thêm chi phí vận chuyển, bảo quản nên giá tới tay người tiêu dùng sẽ cao hơn.
Tại TP.HCM, Bình Dương, vải trứng Hưng Yên hàng loại 1 có giá bán lẻ khoảng 230.000-240.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, loại vải này đang được nhiều cửa hàng bán với giá 185.000-190.000 đồng/kg.
Người dân địa phương dự đoán vải trứng năm nay sẽ "cháy hàng" sớm vì sản lượng giảm so với năm ngoái.
Vải trứng xuất hiện từ lâu, nhưng vài năm gần đây, khi được ứng dụng công nghệ nuôi trồng tốt hơn, cây vải trứng Hưng Yên cho nhiều quả và quả cũng to hơn các loại vải thiều khác. Nhờ đó, vải trứng mới được chú ý nhiều trên thị trường.
Vải trứng có xuất xứ từ xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Giống vải này sau đó đã được nhân giống và trồng ở nhiều xã lân cận. Hiện nay, vải trứng trở thành một đặc sản nổi tiếng Hưng Yên và là loại cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân nơi đây.
Sở dĩ loại vải này được gọi là vải trứng vì khi chín, đa số quả vải to bằng quả trứng gà nhưng cũng có quả còn to hơn.
Vải trứng Hưng Yên có trọng lượng khoảng 18 quả/kg, những quả to vượt trội có khi chỉ 12-13 quả/kg trong khi vải thông thường từ 28-30 quả/kg.
Với những quả vải to ngang bàn tay người, như hình ảnh được lan truyền trên mạng, thì khá hiếm. Đó có thể là một vài quả to nhất được lựa ra từ cả cây hoặc cả vườn vải.
Theo Báo Hưng Yên, giống vải trứng thường được người dân nơi đây gọi với cái tên “vải ông Diệm” để ghi nhớ công của cụ Nguyễn Văn Diệm ở thôn Ba Đông, xã Phan Sào Nam - người đã mang cây vải trứng về trồng tại mảnh đất này.
Ông Nguyễn Văn Vì, cháu nội của cụ Diệm nay đã ngoài 60 tuổi, cho biết trên báo này: “Cây vải trứng của gia đình tôi được cụ Diệm trồng trước cổng nhà cách đây khoảng 150 năm. Cây vải hợp thổ nhưỡng, cho quả to, mã đẹp, vị ngon ngọt đặc biệt khác hẳn các loại vải người dân trong vùng vẫn trồng. Từ cây vải này, con cháu của cụ đã nhân rộng ra vườn nhà mình, cho bà con trong vùng, trong đó có những cây được chiết ghép cách đây 80 năm”.
Theo chia sẻ của các hộ dân trồng vải ở xã Phan Sào Nam, vải trứng thường thu hoạch sau vải lai chín sớm từ 7-10 ngày, khi chín cho quả to.
Từ đầu tháng 5, vải trứng bắt đầu vào vụ thu hoạch. Vải trứng khi thu hoạch để ngoài tự nhiên từ 3-4 ngày vẫn giữ nguyên màu sắc, hương vị. Một cây vải xòe tán chiếm diện tích 50m2, cho năng suất từ 3-4 tạ quả mỗi vụ.
Vải trứng Hưng Yên có đặc điểm khi chín vỏ mỏng, có màu đỏ tươi, cùi dày, vị ngọt sắc, thơm mát đặc trưng, quả to, hạt nhỏ, chín sớm và không bị sâu đầu.
Vải trứng với mẫu mã, chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với vải lai chín sớm. Mỗi ha vải trứng có thể cho thu trên 500 triệu đồng/năm.
Xác định đây là giống có chất lượng tốt, cần được nhân rộng, năm 2018, xã Phan Sào Nam đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp để bảo tồn và phát triển giống vải quý này. Diện tích vải trứng sau đó được mở rộng tại nhiều địa phương.
Vải trứng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá từ năm 2020, được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao. Năm 2022, vải trứng Hưng Yên lần đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)